Thủ tục cưới hỏi từ A - Z ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam
Thủ tục cưới hỏi ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam bao gồm 4 lễ chính: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Lễ dạm ngõ thường diễn ra trước đám cưới 3 - 4 tháng, còn lễ ăn hỏi thường tổ chức trước đám cưới một tháng nếu khoảng cách giữa hai bên gia đình không quá xa. Trong trường hợp không tiện đi lại thì hai nhà có thể gộp luôn 2 lễ vào một ngày.

Như bạn thấy, thủ tục đám cưới Việt Nam tương đối phức tạp nên để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, hai bên gia đình cần nắm rõ mọi khâu chuẩn bị và trình tự diễn ra của 4 lễ trên từ sớm. Cùng tìm hiểu kỹ hơn các nội dung này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì?

Lễ dạm ngõ là gì? Dạm ngõ trước khi cưới bao lâu?

Lễ dạm ngõ (hay đám nói ở miền Trung và lễ bỏ rượu ở miền Nam) là lần gặp mặt đầu tiên của hai bên gia đình để bàn bạc và thống nhất thời điểm tổ chức lễ ăn hỏi, lễ thành hôn, số lượng tráp lễ vật cũng như địa điểm, dịch vụ tổ chức đám cưới.
Thời điểm tổ chức lễ dạm ngõ thường là 3 - 4 tháng trước đám cưới để hai bên gia đình có thể chuẩn bị chu toàn. Trong trường hợp hai bên gia đình cách xa nhau hoặc có mong muốn mua nhà, xây nhà cho cặp đôi thì lễ dạm ngõ thậm chí phải tổ chức trước đám cưới từ 7 - 8 tháng.
Trên thực tế, ngoài việc tính toán ngày dạm ngõ để chuẩn bị cho kịp, yếu tố quan trọng nhất vẫn là cặp đôi phải tìm hiểu kỹ lối sống của gia đình đối phương để ứng xử cho phải phép. Đồng thời, họ cần phải bàn bạc với gia đình mình để chuẩn bị lễ vật đầy đủ cho ngày dạm ngõ.

Thành phần tham gia lễ dạm ngõ

Thành phần tham gia lễ dạm ngõ chỉ đơn giản gồm 2 bên gia đình của cặp đôi: cô dâu, chú rể, bố mẹ cô dâu chú rể và anh chị em ruột của họ. Số lượng nên giới hạn trong khoảng 5 đến 7 người là tốt nhất.
Thông thường, trước ngày dạm ngõ, nhà trai nên báo trước về số người tham gia cũng như ngày giờ thực hiện lễ dạm ngõ để cả hai bên cùng chủ động trong khâu chuẩn bị, tránh thiếu sót dẫn đến mất lòng đôi bên.

Lễ dạm ngõ cần những gì?

Lễ vật dạm ngõ nhà trai cần chuẩn bị bao gồm chục trầu cau, chè thuốc và bánh kẹo với số lượng chẵn cho nhà gái kính cáo Gia tiên. Với nhà gái, gia đình cần chuẩn bị chè thuốc, bánh kẹo và trái cây để mời khách nhà trai. Tuy nhiên, tùy vùng miền, hai bên gia đình có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Ví dụ, những lễ vật kể trên sẽ phổ biến hơn ở miền Bắc. Còn với miền Trung, lễ vật sẽ đơn giản hơn, bao gồm một khay trầu cau và chai rượu lễ gói giấy đỏ. Và ở miền Nam, nhà trai sẽ chuẩn bị một cặp rượu, một cặp trà gói giấy đỏ, một đĩa trầu cau têm cánh phượng và mâm ngũ quả.

Mặc gì trong lễ dạm ngõ?

Lễ dạm ngõ tương đối gần gũi nên cô dâu chú rể không cần ăn mặc quá trang trọng, rườm rà, chỉ cần đảm bảo lịch sự, chỉnh chu là được. Với chú rể, dễ dàng nhất là mặc vest với quần âu và sơ mi trắng. Trang trọng hơn một chút có thể có thêm hoa cài áo.
Với cô dâu, lựa chọn sẽ đa dạng hơn, có thể là áo dài truyền thống, áo dài cách tân, váy đầm công sở hoặc áo và chân váy midi tùy sở thích và phong cách của mình. Nhìn chung, nên chọn đồ có chất liệu mềm mại, co giãn để dễ cử động. Để tìm hiểu cách chọn trang phục theo từng dáng người, bạn có thể tham khảo Lễ dạm ngõ cô dâu chú rể mặc gì.

Trình tự lễ dạm ngõ

Thủ tục lễ dạm ngõ khá đơn giản, nhà trai sẽ đem lễ đến để thưa chuyện với gia đình nhà gái. Còn nhà gái sẽ đem lễ lên bàn thờ gia tiên để thắp hương. Sau đó, hai gia đình sẽ cùng nhau chọn ngày giờ đám hỏi, đám cưới và các khâu tổ chức đám hỏi, đám cưới.

2. Lễ ăn hỏi là gì? Thủ tục đám hỏi gồm những gì?

Lễ ăn hỏi là gì? Ăn hỏi trước khi cưới bao lâu?

Lễ ăn hỏi (hay còn gọi là lễ đính hôn) là ngày thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai bên gia đình, thường bao gồm cả 3 thủ tục: ăn hỏi, xin cưới và nạp tài. Sau ngày này, cô gái chính thức trở thành vợ sắp cưới của chàng trai, còn chàng trai mang lễ tới xin chính thức trở thành con rể của nhà gái.
Nếu tổ chức riêng, đám hỏi sẽ cách đám cưới khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, cũng tùy vào việc xem ngày mà lịch trình có thể bị thay đổi, miễn là khoảng cách không quá 3 - 4 tháng là được. Nếu tổ chức chung một ngày, nhà trai sẽ mang sính lễ qua hỏi cưới và tổ chức rước dâu luôn.
Đám hỏi thường diễn ra trong vòng 30 phút tới một tiếng để đảm bảo hết các nghi lễ như lễ nạp tài. Vì vậy, nếu tổ chức chung với ngày cưới, tất cả các nghi lễ nên tổ chức trong buổi sáng cho kịp giờ.

Thành phần tham gia lễ ăn hỏi

Với nhà trai, những người tham gia lễ ăn hỏi sẽ bao gồm chú rể, ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột chú rể, họ hàng và bạn bè thân thiết. Ngoài ra, gia đình chú rể sẽ cần một vài chàng trai chưa vợ để bưng mâm quả và bê tráp. Số người bưng mâm quả và bê tráp nên là số lẻ như 3, 5, 7, 9 và 11.
Tương tự như nhà trai, những người tham gia lễ ăn hỏi bên nhà gái sẽ bao gồm cô dâu, ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột cô dâu và bạn bè thân thiết. Ngoài ra, gia đình cô dâu sẽ tìm một vài cô gái chưa chồng để đón lễ ăn hỏi. Số người đón lễ ăn hỏi sẽ tương ứng với số nam bê tráp.

Lễ ăn hỏi cần những gì?

Sính lễ cưới miền Bắc, miền Trung, miền Nam và miền Tây gồm những gì?
Sính lễ do nhà trai chuẩn bị dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều cần 30 lá trầu và một vài mâm quả đám hỏi (tráp ăn hỏi). Trong đó, 30 lá trầu sẽ được chia đều cho 3 nghi thức của lễ ăn hỏi, lần lượt là ăn hỏi, xin cưới và nạp tài.
Về mâm quả đám hỏi, cách chuẩn bị có thể thay đổi theo từng vùng miền nhưng thường sẽ đảm bảo các lễ vật truyền thống như trầu cau, rượu chè, thuốc lá, hạt sen, bánh phu thê và lễ đen. Sự khác biệt giữa các vùng miền thường là số lượng tráp và các lễ vật bổ sung thêm để mâm quả trang trọng hơn. Ví dụ, lễ ăn hỏi 7 tráp sẽ có thêm mâm hoa quả và mâm bánh cốm.
Cụ thể, với miền Bắc, nhà trai cần chuẩn bị số tráp lẻ (5, 7, 9 hoặc 11 tráp) và số lễ vật trong từng tráp chẵn (100 cái bánh, 10 chai rượu) để thể hiện ý nghĩa có đôi có cặp. Với miền Trung và miền Nam, số mâm quả đám hỏi lại thường là số chẵn như 4, 6 và 8 mâm.
Bên cạnh những mâm cơ bản khá tương tự miền Bắc, mâm quả đám hỏi miền Trung cần có thêm một cặp nến tơ hồng, đôi khi nhà trai có thể chuẩn bị thêm bánh kem, nem chả cho trang trọng. Ở miền Nam thì nhà trai nào dư dả tài chính có thể tặng thêm áo dài cưới, vàng bạc cưới cho cô dâu sử dụng trong ngày trọng đại.
Lại quả lễ ăn hỏi gồm những gì?
Lại quả lễ ăn hỏi là phần quà lại mặt nhà gái chuẩn bị để đáp lại tấm lòng của nhà trai khi lễ ăn hỏi gần kết thúc. Quà lại mặt này không cần cầu kỳ, nhà gái chỉ cần đảm bảo số quà chẵn là được. Hoặc đơn giản hơn, nhà gái có thể chia đôi luôn lễ hỏi nhà trai mang tới để lại quả. 
Trong quá trình lại quả, có 2 điều nhà gái cần chú ý. Thứ nhất là không được dùng dao kéo mà phải xé bằng tay khi chia lễ hỏi. Thứ hai là phải ngửa mâm tráp lên khi trả lại lễ mà nhà trai mang tới.
Trang trí lễ ăn hỏi tại nhà
Đám hỏi thường được tổ chức tại gia bởi số lượng người không quá nhiều và hai bên gia đình cũng tiện thắp hương xin phép gia tiên. Bởi vậy, hai bên gia đình nên sơn sửa lại nhà, bài trí lại không gian và thuê phông bạt đám hỏi trước từ 3 - 4 tháng để đảm bảo lễ ăn hỏi diễn ra chỉnh chu, kịp thời.
Ngoài ra, việc lau dọn bàn thờ cũng nên được chú ý hàng đầu để chuẩn bị cho lễ thắp hương gia tiên. Thông thường, bàn thờ gia tiên sẽ được treo thêm phông cưới chữ hỷ và bày mâm ngũ quả, lư hương cho trang trọng. 
Bàn tiệc đám hỏi thì nên chuẩn bị bánh kẹo, nước uống và hoa tươi. Còn các cầu thang, vách nhà có thể trang trí thêm hoa tươi, hoa lụa và các dải ruy băng theo ý thích. Bạn có thể tham khảo một số ý tưởng trang trí lễ ăn hỏi nổi bật nhất năm 2021 tại Nắm Tay.
Đặt tiệc lễ ăn hỏi
Với khâu này, bạn nên lên thực đơn và làm dự trù kinh phí từ 2 - 3 tháng trước khi lễ ăn hỏi diễn ra. Nếu đám hỏi không quá nhiều khách, bạn có thể tự làm cỗ cho tiết kiệm chi phí. Nếu đông khách thì bạn nên đặt cỗ về nhà, hoặc đặt tiệc ngoài hàng trong trường hợp nhà không rộng lắm.

Mặc gì trong lễ ăn hỏi?

Theo truyền thống, trang phục đám hỏi của cô dâu chú rể sẽ là áo dài, khăn xếp. Nếu muốn tiết kiệm thời gian và tiền bạc và không cầu kỳ về chất lượng trang phục đám hỏi, cô dâu chú rể có thể đi thuê. Còn nếu dư dả tài chính và có yêu cầu cụ thể về trang phục đám hỏi, cô dâu chú rể nên đi may. 
Ngoài trang phục của chính cô dâu chú rể, hai gia đình cũng phải chuẩn bị trang phục cho bố mẹ hai bên và đội bê tráp cũng như đặt dịch vụ trang điểm. Nếu thuê đồ thì có thể đặt trang điểm ở studio đó luôn, còn nếu may đồ có thể hẹn lịch trang điểm tại nhà. Nhìn chung, việc chuẩn bị tất cả các khâu này khá mất thời gian, nên lên ý tưởng từ 4 - 6 tháng trước.

Trình tự lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi thường bao gồm 7 công đoạn: rước tráp lễ, chào hỏi và trao tráp lễ, thắp hương gia tiên, con dâu ra mắt gia đình, bàn bạc về đám cưới, nhà gái lại quà nhà trai và chia quà ăn hỏi cho họ hàng, làng xóm.
Cụ thể, nhà trai sẽ mang lễ sang chào hỏi nhà gái. Nhà gái sẽ trao cho đội bê lễ nhà trai mỗi người một bao lì xì đỏ với số tiền nhỏ bên trong thay lời chúc tình duyên với đội bê lễ. Sau đó, chú rể sẽ lên tận phòng đón cô dâu và cùng thắp hương gia tiên nhà gái.
Kết thúc quy trình thắp hương, chú rể sẽ dắt cô dâu xuống nhà để ra mắt nhà trai và hai nhà cùng bàn bạc thêm về đám cưới, định ngày cưới. Trong quá trình, nhà gái sẽ mời trà, mời nước và trao quà lại mặt cho nhà trai. Và khi quá trình này kết thúc, hai nhà sẽ chia quà ăn hỏi cho họ hàng, làng xóm thay lời thông báo chuyện vui.

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!

3. Lễ cưới là gì? Thủ tục lễ cưới gồm những gì?

Lễ cưới là gì? lễ cưới gồm những gì?

Lễ cưới là quá trình hai bên gia đình thực hiện nghi lễ để đón cô dâu về nhà chồng cũng như thông báo rộng rãi về hôn nhân của một cặp đôi. Lễ cưới thường bao gồm lễ vu quy ở nhà gái (lễ nhập gia, lễ xin dâu, lễ gia tiên, lễ dâng trà và lễ rước dâu) và lễ thành hôn ở nhà trai (lễ đón dâu, lễ gia tiên và lễ dâng trà).

Thành phần tham gia lễ cưới

Khác với 2 lễ trước, ở lễ cưới, thành phần tham gia được mở rộng, bao gồm hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè bố mẹ cô dâu chú rể và bạn bè cô dâu chú rể. Vì vậy, số người tham gia sẽ dao động từ 300 - 500 người và trong trường hợp tổ chức chung, hai nhà nên đặt nhà hàng, khách sạn cho rộng rãi.

Lễ cưới cần chuẩn bị những gì?

Lễ cưới là lễ chính nên công đoạn tổ chức khá cầu kỳ, thường bao gồm một số công đoạn cơ bản như chọn ngày cưới, chọn nơi tổ chức đám cưới, chọn trang phục đám cưới, chụp ảnh cưới, làm thiệp cướiđặt tiệc cưới. Và việc chuẩn bị tổ chức này sẽ cần cả hai gia đình cùng góp sức. Cụ thể bạn có thể tham khảo Kinh nghiệm tổ chức đám cưới từ A - Z.

Trình tự lễ cưới

Trình tự lễ vu quy ở nhà gái
Lễ vu quy (lễ cưới ở nhà gái) là nghi lễ hai bên gia đình thực hiện tại nhà gái để rước cô dâu về nhà chồng. Để lễ vu quy diễn ra suôn sẻ, nhà gái sẽ cần trang trí nhà cửa và chuẩn bị quà lại mặt kỹ càng. Dưới đây là trình tự truyền thống của lễ vu quy.
Nhà trai xuất hành đi đón dâu
Theo ngày giờ chọn trước, nhà trai sẽ sang nhà gái đón dâu. Thường họ sẽ tập trung cách cửa nhà gái 100 - 200 mét trước khi lễ cưới bắt đầu khoảng 15 - 30 phút. Đến giờ hoàng đạo thì họ sẽ xin làm lễ nhập gia.
Nhà trai xin làm lễ nhập gia
Chủ hôn nhà trai cùng một anh phụ rể sẽ bưng khay rượu tiến vào nhà gái trong khi nhà trai đứng ngoài đợi. Họ sẽ chào hỏi nhà gái, phát biểu xin phép cho nhà trai được vào làm lễ nhập gia và nếu nhà gái chấp thuận thì phụ rể sẽ rót 2 ly rượu nhỏ để mời hai vị chủ hôn.
Nhà trai trao mâm quả đám cưới cho nhà gái
Khi chủ hôn nhà trai và phụ rể quay ra thông báo vào làm lễ, mọi người sẽ lần lượt di chuyển đến trước cổng hoa, đứng đối xứng với dàn bưng mâm quả nữ để thực hiện nghi thức trao mâm quả. 
Sau đó họ lùi lại, tạo thành một lối đi cho nhà trai vào trong nhà. Cuối cùng, khi nhà trai đã vào nhà xong xuôi, dàn bưng mâm quả nữ mới đi theo để đặt mâm quả vào vị trí quy định trước đó.
Nhà trai phát biểu và trình mâm quả
Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, chủ hôn nhà trai sẽ đứng lên đại diện phát biểu, giới thiệu nhà trai lần lượt từ người vai vế lớn đến nhỏ. Sau đó, chủ hôn nhà gái cũng sẽ đứng lên giới thiệu nhà gái.
Kết thúc màn giới thiệu, nhà trai sẽ phát biểu về mục đích buổi lễ và bắt đầu trình mâm quả sính lễ. Đại diện nhà gái, thường là mẹ cô dâu hoặc chủ hôn nhà gái, sẽ lên nhận quả và khép lại các nghi lễ phát biểu.
Nhà trai làm lễ xin dâu
Nhà trai mở lời xin phép cho cô dâu trình diện hai họ. Khi đó, cô dâu có thể đi ra cùng mẹ hoặc chú rể lên tận nơi đón cô dâu. Sau đó, cô dâu sẽ chào hai họ và đứng bên phải chú rể để chủ hôn chủ trì việc trao nhẫn cưới.
Trong trường hợp gia đình theo đạo Công Giáo, cô dâu chú rể sẽ còn phải làm thêm nghi thức Tạ Ơn Thiên Chúa, Kính Nhớ Tổ Tiên và Lễ Mừng Cha Mẹ. Cụ thể, bạn có thể tham khảo tại Nghi thức lễ cưới công giáo tại nhà thờ.
Cô dâu chú rể thực hiện lễ gia tiên
Sau khi chủ hôn tuyên bố cô dâu chú rể chính thức trở thành vợ chồng, họ sẽ chia lễ vật gồm vài lá trầu, vài đôi cau ra các đĩa nhỏ để dâng lên tổ tiên. Rồi cả hai sẽ cùng thắp nhang và đọc lời khấn trước bàn thờ gia tiên hoặc để chủ hôn đọc lời khấn đó. Một điều cần lưu ý là cả quá trình không được động tới dao kéo.
Bên cạnh đó, nếu hai gia đình là người miền Nam thì họ còn thực hiện thêm lễ lên đèn (lễ thượng đăng). Cụ thể, cô dâu chú rể sẽ dùng đôi nến Long - Phượng trong sính lễ và chân đèn do nhà gái chuẩn bị để đốt nến và dâng lên bàn thờ. Họ phải đảm bảo sao cho nến cháy đều và được dâng lên cùng một lúc.
Cuối cùng, nhà trai sẽ trao lễ đen (tiền nạp tài) cho nhà gái. Nếu hai bên gia đình muốn để lại lễ đen làm vốn cho con cái, họ sẽ cử một người đại diện để trao lễ này cho cặp đôi và khép lại lễ gia tiên.
Cô dâu chú rể thực hiện lễ dâng trà
Cô dâu chú rể sẽ lần lượt dâng trà hoặc rượu lễ cho các trưởng bối theo vai vế từ lớn đến nhỏ, ví dụ như ông bà, cha mẹ rồi đến cô dì chú bác hai bên. Lễ dâng trà này sẽ ưu tiên cho nhà gái hơn bởi lễ này mang ý nghĩa đón chào chàng rể mới và tiễn cô dâu về nhà chồng.
Theo truyền thống cũ, sau mỗi lần dâng trà, cặp đôi sẽ nhận lại một lời chúc phúc kèm theo quà mừng cưới như phong bao đỏ, nữ trang. Và tùy ý muốn của gia đình, chủ hôn nhà gái có thể sẽ đọc to tên món quà lên.
Nhà trai thực hiện lễ rước dâu
Trong lúc chờ tới giờ lành để thực hiện lễ rước dâu, hai bên gia đình sẽ giao lưu trò chuyện và uống trà. Đồng thời, nhà gái sẽ chuẩn bị lễ lại quả cho nhà trai. Đến khi chuẩn bị rước dâu, dàn bưng mâm quả nữ sẽ thực hiện nghi thức trao mâm lại quả cho dàn bưng mâm quả nam. Và sau đó, cô dâu chính thức bước xe hoa về nhà chồng, khép lại lễ vu quy ở nhà gái.
Trình tự lễ tân hôn ở nhà trai
Lễ tân hôn (lễ cưới ở nhà trai) là quy trình hai bên gia đình thực hiện để chào đón cô dâu về nhà chồng. Trước khi lễ tân hôn diễn ra, nhà trai cần chuẩn bị kỹ càng mâm quả đám cưới và đội bưng mâm quả. Dưới đây sẽ chủ yếu nói về trình tự lễ tân hôn.
Nhà trai thực hiện lễ đón dâu
Lễ đón dâu diễn ra từ lúc nhà trai rước dâu đến khi xe hoa về tới nhà trai và đứng cách cổng nhà trai khoảng 100 - 200m để chuẩn bị làm lễ nhập trạch. Chờ tới giờ hoàng đạo của lễ nhập trạch, mẹ chú rể sẽ dắt cô dâu đi trước và chú rể theo sau để vào nhà. Hoặc một số gia đình không muốn rườm rà thì cô dâu chú rể sẽ tự đi vào cùng nhau luôn.
Cô dâu ra mắt nhà trai
Khi mọi người đã vào nhà và ổn định chỗ ngồi, cô dâu sẽ cúi chào coi như ra mắt rồi nhường vị trí cho chủ hôn hướng dẫn. Trong bước này, những người vai vế lớn nhưng vì tuổi già mà không thể đi đón dâu sẽ được giới thiệu lại một lượt.
Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên ở nhà trai
Tương tự như lúc ở nhà gái, cô dâu chú rể thắp nhang và khấn cầu trước bàn thờ gia tiên để báo cáo đã đón dâu về nhà cũng như mong tổ tiên phù hộ cho hai vợ chồng luôn hạnh phúc. Sau lễ này, nếu gia đình nào thích tuân thủ truyền thống thì sẽ tiếp tục làm lễ tơ hồng.
Cụ thể, cặp đôi sẽ quỳ trước bàn thờ để nghe chủ hôn đọc bài văn tế, cảm ơn Nguyệt Lão đã se duyên đôi lứa cũng như mong Nguyệt Lão phù hộ cho cuộc sống hôn nhân về sau. Sau đó cả hai uống chung một ly rượu, ăn chung một miếng trầu để thể hiện ý nghĩa chia ngọt sẻ bùi trong tương lai.
Cô dâu chú rể làm lễ dâng trà
Tương tự như lễ dâng trà nhà gái, cặp đôi sẽ mời trà, mời rượu các bậc trưởng bối và nhận quà mừng. Trong trường hợp không gian không được rộng rãi, cô dâu chú rể có thể bỏ qua bước mời trà rồi đứng ngay trước bàn thờ gia tiên để nhận quà mừng cưới.
Cô dâu chú rể thăm phòng cưới
Khép lại các thủ tục nghi lễ, hai bên gia đình sẽ ngồi trò chuyện uống nước, còn cô dâu chú rể sẽ đi thăm phòng cưới. Việc thăm phòng cưới này bắt nguồn từ phong tục trải giường cưới, tức là trước ngày cưới, nhà trai đã mời một người phụ nữ có hôn nhân êm ấm đến trải chiếu mới cho cặp cưới lấy may với mong mỏi cặp đôi cũng sẽ hòa thuận, hạnh phúc.

4. Lễ lại mặt là gì? Thủ tục lễ lại mặt gồm những gì?

Lễ lại mặt là gì? Lại mặt sau đám cưới bao lâu?

Lễ lại mặt (Lễ Nhị Hỷ) là dịp chú rể đưa cô dâu về thăm nhà mẹ đẻ để bày tỏ tình cảm với cô dâu khi phải chính thức xa nhà cũng như thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ cô dâu đã có công sinh thành và nuôi dưỡng.
Lễ lại mặt sẽ được thực hiện sau lễ cưới từ 1 - 4 ngày tùy theo khoảng cách giữa hai bên gia đình và thường được tổ chức vào buổi sáng thay vì chiều muộn bởi trong quan niệm xưa, việc tổ chức buổi chiều có ý nghĩa không tốt.

Lễ lại mặt cần chuẩn bị những gì?

Lễ lại mặt không cần quá cầu kỳ nhưng khi chuẩn bị, nhà trai nên đảm bảo đầy đủ trầu cau, xôi, thịt và rượu để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Nếu hai nhà muốn giản lược hơn nữa thì nhà trai mới thay bằng hoa quả hoặc bánh kẹo.

Trình tự lễ lại mặt

Trong ngày hai bên đã bàn bạc trước, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau quay về nhà cô dâu để thăm bố mẹ. Về bản chất, đây chỉ là bữa ăn thân mật nên thành phần tham gia thường chỉ có cha mẹ cô dâu và hai vợ chồng hoặc cô dì chú bác nào đó nếu họ sống cùng cha mẹ cô dâu.
Chú rể sẽ mang quà lại mặt ra biếu cha mẹ cô dâu. Sau đó hai vợ chồng sẽ cùng ăn bữa cơm thân mật và trò chuyện với bố mẹ. Kết thúc bữa cơm cũng thường là kết thúc lễ lại mặt, cô dâu chú rể sẽ quay lại nhà mình.
Trên đây là tất cả những kiến thức mà mọi cặp đôi cần chú ý về các thủ tục cưới hỏi trong truyền thống Việt Nam. Để không phải áp lực trong quá trình tổ chức, cặp đôi nên ghi lại những đồ cần chuẩn bị cho từng lễ và lên kế hoạch mua sắm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, nếu chưa biết tổ chức đám cưới thế nào, hãy tham khảo Kinh nghiệm tổ chức đám cưới từ A - Z.