Lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi 5 tráp, 7 tráp, 9 tráp là gì?
Lễ ăn hỏi (Lễ đính hôn) là một trong bốn thủ tục cưới hỏi ở Việt Nam, khi nhà trai mang sính lễ sang hỏi cưới cô gái. Lễ ăn hỏi thường diễn ra trước lễ cưới khoảng một tháng nhưng cũng có thể gộp vào cùng ngày với lễ cưới để tiết kiệm thời gian và chi phí. 

Dù lễ ăn hỏi tương đối quen thuộc nhưng vẫn không ít người nhầm lẫn giữa lễ ăn hỏi và lễ dạm ngõ. Vậy lễ ăn hỏi và lễ dạm ngõ khác nhau như thế nào? 5 tráp, 7 tráp, 9 tráp và 11 tráp lễ trong đám hỏi là gì? Trình tự diễn ra lễ ăn hỏi như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Lễ ăn hỏi và lễ dạm ngõ khác nhau như thế nào?

Lễ ăn hỏi và lễ dạm ngõ đều do gia đình nhà gái tổ chức và gia đình nhà trai chuẩn bị lễ vật. Tuy nhiên, lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi lại tương đối khác nhau về 4 khía cạnh sau: thời điểm tổ chức, mục đích tổ chức, thành phần tham dự và những lễ vật cần chuẩn bị.

Lễ ăn hỏi diễn ra sau lễ dạm ngõ khoảng từ 1 - 3 tháng

Lễ ăn hỏi thường diễn ra trước lễ cưới khoảng 1 tháng thậm chí là gộp chung với lễ cưới nếu cô dâu chú rể muốn tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức. Trong khi đó, lễ dạm ngõ được tổ chức trước lễ cưới khoảng từ 2 - 3 tháng.

Lễ ăn hỏi là ngày hỏi cưới trong khi lễ dạm ngõ là ngày gặp mặt gia đình

Lễ ăn hỏi vừa là dịp nhà trai mang sính lễ sang hỏi cưới cô gái vừa là dịp cặp đôi thông báo hôn sự chính thức tới toàn thể gia đình và họ hàng hai bên. Trong khi đó lễ dạm ngõ chỉ là buổi gặp mặt đầu tiên giữa hai bên gia đình, khi nhà trai đến đặt vấn đề cho đôi nam nữ tìm hiểu nhau một cách chính thức.

Thành phần tham dự lễ ăn hỏi đông hơn lễ dạm ngõ

Thành phần tham gia lễ ăn hỏi là họ hàng, anh em bạn bè thân thiết của cô dâu chú rể với số lượng từ 50 - 100 người. Trong khi đó, thành phần tham gia lễ dạm ngõ chỉ có người thân thiết trong gia đình của cặp đôi, cô dâu chú rể và trưởng họ với số lượng từ 10 - 15 người.

Lễ vật lễ ăn hỏi cầu kỳ hơn lễ vật của lễ dạm ngõ

Lễ vật ăn hỏi cần tối thiểu 5 tráp lễ vật khác nhau, bao gồm trầu cau, rượu thuốc, bánh cốm, hoa quả, chè mứt và lễ đen. Trong khi đó lễ vật dạm ngõ chỉ gồm một khay duy nhất, bao gồm hoa quả, trầu cau và chè thuốc.

2. Tráp ăn hỏi là gì? Lễ vật trong đám hỏi gồm những gì?

Tráp ăn hỏi (mâm quả đám hỏi) là sính lễ mà nhà trai mang tặng nhà gái thay cho lời cảm ơn công sức sinh thành dưỡng dục cô dâu. Số lượng tráp ăn hỏi và lễ vật trong tráp ăn hỏi thay đổi tuỳ vào vùng miền nhưng thường có tối thiểu 5 trên 8 lễ vật sau: trầu cau, rượu thuốc, lợn sữa, hoa quả, bánh cốm, bánh phu thê, chè mứt sen, xôi gà.
Số lượng tráp ăn hỏi miền Bắc thường là số lẻ (5, 7, 9 hoặc 11 tráp) nhưng số lượng lễ vật trong từng tráp lại là số chẵn (80 hoặc 100) để thể hiện ý nghĩa có đôi có cặp, có chẵn có lẻ trong hôn nhân. Tráp ăn hỏi miền Bắc thường có trầu cau, rượu thuốc, bánh cốm, hoa quả và chè mứt sen.
Số lượng tráp ăn hỏi miền Trung thường là 5 tráp với các lễ vật tương tự như miền Bắc (trầu cau, bánh phu thê, chè, rượu thuốc, hoa quả) nhưng có thể có thêm đôi nến tơ hồng để thắp hương trên bàn thờ gia tiên họ nhà gái.
Số lượng tráp ăn hỏi miền Nam thường là số chẵn (6, 8 hoặc 10) để thể hiện ý nghĩa phát tài, phát lộc, trọn vẹn hôn nhân. Lễ vật ăn hỏi miền Nam thường là trầu cau, rượu thuốc, trà bánh, mâm xôi gà và hoa quả.

3. Lễ ăn hỏi 5 tráp, 7 tráp, 9 tráp gồm những gì? Ý nghĩa của từng tráp lễ

Lễ ăn hỏi 5 tráp là gì? Lễ ăn hỏi 5 tráp gồm những gì?

Lễ ăn hỏi 5 tráp là 5 mâm quả truyền thống ở miền Bắc để hỏi cưới, bao gồm tráp trầu cau, tráp rượu thuốc, tráp bánh cốm - bánh phu thê, tráp hoa quả và tráp chè - mứt hạt sen. Ngoài ra, lễ ăn hỏi 5 tráp sẽ có thêm lễ đen từ 1-10 triệu đồng - là khoản tiền để cảm ơn công sức sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Lễ ăn hỏi 5 tráp phù hợp cho các gia đình có ngân sách tráp lễ dưới 15 triệu đồng.

Lễ ăn hỏi 7 tráp là gì? Lễ ăn hỏi 7 tráp gồm những gì?

Lễ ăn hỏi 7 tráp là 7 mâm quả truyền thống ở miền Bắc để hỏi cưới, bao gồm tráp trầu cau, tráp rượu thuốc, tráp bánh cốm, tráp bánh phu thê, tráp hoa quả, tráp chè và tráp mứt hạt sen. Lễ ăn hỏi 7 tráp khác lễ ăn hỏi 5 tráp là hai tráp chè - mứt hạt sen và tráp bánh cốm - bánh phu thê sẽ tách thành các tráp riêng lẻ. Lễ ăn hỏi 7 tráp phù hợp cho gia đình có ngân sách tráp lễ từ 20 triệu đồng trở lên.

Lễ ăn hỏi 9 tráp là gì? Lễ ăn hỏi 9 tráp gồm những gì?

Lễ ăn hỏi 9 tráp là 9 mâm quả truyền thống ở miền Bắc để hỏi cưới, bao gồm tráp trầu cau, tráp rượu thuốc lá, tráp bánh cốm, tráp bánh phu thê, tráp hoa quả, tráp chè, tráp mứt hạt sen, tráp lợn sữa và tráp gà - xôi gấc. Lễ ăn hỏi 9 tráp dành cho những gia đình khá giả, có ngân sách tráp lễ từ 30 triệu đồng.

Lễ vật tráp ăn hỏi gồm những gì?

Tráp trầu cau -  tráp lễ mở lời quan hệ hôn nhân
Mỗi tráp trầu cau cần có một buồng cau từ 60 - 100 quả chẵn, một bó lá trầu và ba cành vỏ cây chay. Ngoài ra, để chuẩn bị cho tráp trầu cau thêm đẹp mắt, gia đình cũng cần trang trí thêm lá vạn tuế, hoa tươi, chữ hỷ hoặc điêu khắc rồng phượng đẹp mắt.
Tráp rượu thuốc -  tráp lễ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên
Tráp rượu thuốc gồm 3 chai rượu vang và 3 cây thuốc lá, cao cấp hơn sẽ có thêm 0,5kg chè thượng hạng. Trong tráp rượu thuốc, rượu vang thường là Chile, Vodka hoặc Chivas; thuốc lá thường là Vina, 555 hoặc Thăng Long và chè thường là Thái Nguyên thượng hạng. Tráp rượu thuốc thường được trang trí thêm hoa tươi, hoa lụa hay ruy băng để thêm phần trang nhã.
Tráp bánh cốm, bánh phu thê -  tráp lễ thể hiện tình nghĩa vợ chồng
Tráp bánh cốm - bánh phu thê thường có số lượng bánh chẵn (80 - 100). Loại bánh trong tráp bánh cốm - bánh phu thê có thể thay đổi theo từng vùng miền: miền Bắc sẽ sử dụng bánh cốm xanh, miền Nam dùng bánh phu thê và miền Tây Nam Bộ sẽ sử dụng bánh pía. Khi trang trí, bánh trong tráp thường được xếp thành hình tháp và gắn nơ đỏ hay chữ hỷ để tăng vẻ trang trọng.
Tráp hoa quả - tráp lễ thể hiện tình yêu luôn ngọt ngào tươi mới
Tráp trái cây trong lễ ăn hỏi thông thường có 5 (ngũ) hoặc 9 (cửu) loại quả, bao gồm các loại như: na, bưởi, táo, cam, thanh long, xoài, lê, quýt hay nho được lựa chọn cẩn thận. Ngoài ra, tráp có thể đan xen một số loại hoa cho đẹp mắt hơn, ví dụ như hoa ly, lan trắng hoặc hoa hồng các loại.
Tráp chè, mứt hạt sen - tráp lễ thể hiện tình yêu có đủ cay đắng ngọt bùi
Tráp chè - mứt hạt sen thường được chuẩn bị với số lượng hộp chè mứt từ 80 - 100 hộp. Trong đó, loại chè thường được lựa chọn là chè Tân Cương, Ô Long hay hoa nhài và mứt sen được chọn là mứt 9 hạt, 11 hạt hoặc 13 hạt sen. Sau đó, các hộp chè, mứt sen nhỏ được gói ghém cẩn thận và sắp xếp xen kẽ thành hình tháp, trang trí nơ đỏ trên đỉnh tháp. 
Tráp lợn quay - tráp lễ thể hiện sự dư dả tài lộc
Tráp lợn quay gồm một con heo sữa từ 10 - 15kg được quay vàng ruộm và đặt trên khay sắt, sau đó trang trí bằng khăn lụa đỏ, chữ hỷ và hoa giấy thể hiện sự dư dả tài lộc. Ngoài ra, tráp lợn quay cũng có thể trang trí thêm cà rốt, hành hoa hay khoai tây để trông đầy đặn hơn.
Tráp bia, nước ngọt - tráp lễ thể hiện tình yêu có đủ cay đắng ngọt bùi
Tráp bia, nướ ngọt thường được chuẩn bị với số lượng lon nước từ 50 - 60 lon. Trong đó, loại bia thường được lựa chọn là bia Heineken hoặc bia 333 và nước ngọt được chọn là Coca Cola hoặc Pepsi. Sau đó, các hộp lon nước được gắn cẩn thận và sắp xếp xen kẽ thành hình tháp, trang trí nơ đỏ hoặc hoa tươi trên đỉnh tháp.
Tráp gà và xôi gấc - tráp lễ thể hiện tình yêu bền chặt và may mắn
Tráp gà -  xôi gấc gồm 6 - 10 ổ xôi gấc (hấp theo khuôn trái tim và trang trí chữ hỷ) xếp tròn làm đế tráp và một con gà luộc theo thế “gà bay” đẹp mắt đặt bên trên. Tráp gà - xôi gấc có thể được trang trí thêm bằng thực phẩm như lá chanh, hoa cà rốt hoặc hoa tươi giúp cho tráp thêm đầy đặn và nổi bật hơn. 

4. Nên mặc gì trong lễ ăn hỏi?

Cô dâu nên lựa chọn trang phục lễ ăn hỏi theo phong cách của buổi lễ. Ví dụ, cô dâu nên mặc áo dài cổ truyền trong lễ ăn hỏi có phong cách truyền thống. Cô dâu nên mặc váy cưới suông nhẹ nhàng hay váy trắng ngắn trong lễ ăn hỏi nếu ưa thích phong cách hiện đại. Về màu sắc, cô dâu có thể cân nhắc trang phục ăn hỏi màu đỏ, trắng, vàng hay hồng với chất liệu có khả năng thấm hút mồ hôi và co dãn tốt như ren, gấm và lụa tơ tằm.
Chú rể nên lựa chọn trang phục ăn hỏi phù hợp phong cách trang phục của cô dâu. Cụ thể, chú rể nên mặc áo dài nam cổ truyền nếu cô dâu lựa chọn áo dài cưới truyền thống. Trường hợp cô dâu lựa chọn váy cưới phong cách hiện đại, trang phục áo sơ mi trắng - quần âu hoặc vest tối màu sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho chú rể.
Đội bê tráp nên lựa chọn trang phục ăn hỏi theo phong cách của cô dâu chú rể. Đội bê tráp nên lựa chọn áo dài truyền thống nam - nữ màu sáng nếu cô dâu chú rể chọn phong cách truyền thống. Ngược lại, đội bê tráp nên lựa chọn sơ mi trắng quần âu - áo dài cách tân khi cặp đôi lựa chọn phong cách hiện đại.
Bố mẹ cô dâu chú rể nên lựa chọn trang phục ăn hỏi theo sở thích về phong cách. Bố mẹ cặp đôi có thể lựa chọn áo dài cổ truyền nam - nữ nếu ưa thích phong cách cổ truyền và lựa chọn comple - váy công sở nếu ưa thích phong cách hiện đại.

5. Đám hỏi cần chuẩn bị những gì?

Bước 1: Dọn dẹp bàn thờ gia tiên

Nếu tự dọn dẹp và trang trí bàn thờ gia tiên, nhà gái cần quét mạng nhện, bụi bẩn, tàn hương rụng trước tiên, sau đó phải lau chùi cả khu vực bàn thờ gia tiên. Trong lúc dọn dẹp, nhà gái cần tránh dịch chuyển bát hương trên bàn thờ.
Dọn dẹp xong, gia đình nhà gái có thể tự trang trí bàn thờ gia tiên bằng phông cưới màu đỏ có chữ hỷ, hoa cưới (ly, lan hay hồng các loại), mâm ngũ quả (chuối xanh, bưởi, cam hay quýt, xoài, táo) và lư hương để bàn thờ thêm phần trang trọng.
Nếu thuê dịch vụ trang trí bàn thờ gia tiên, nhà gái vẫn cần tự dọn dẹp cẩn trọng và thuê dịch vụ trang trí bàn thờ và gia tiên đám hỏi với chi phí từ 3 - 8 triệu đồng. Nhà gái cần theo dõi sát sao quá trình và các hạng mục trang trí để tránh thiếu sót hay bất cẩn về những vấn đề linh thiêng.

Bước 2: Thuê dịch vụ trang trí đám hỏi

Hai bên gia đình nên bàn bạc thuê dịch vụ trang trí đám hỏi từ 1 - 2 tháng trước đám hỏi để có dư dả thời gian tìm hiểu, học hỏi những người có kinh nghiệm và lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho hai bên.
Khi thuê dịch vụ trang trí đám hỏi, hai gia đình cần cân đối giữa ngân sách và các hạng mục trang trí mong muốn. Ví dụ, hai gia đình sẽ cần chuẩn bị ngân sách khoảng 15 - 30 triệu đồng cho đám hỏi khoảng 100 khách mời nếu muốn có đủ các hạng mục sau:
Cổng hoa đám hỏi
Cổng hoa đám hỏi được trang trí bằng hoa lá, bóng bay và khung chữ. Chi phí trang trí cổng hoa đám hỏi dao động từ 3 - 15 triệu đồng tuỳ thuộc vào chất liệu hoa mà gia đình lựa chọn. Trong đó cổng hoa lụa rẻ hơn, dao động từ 3 - 10 triệu đồng. Còn cổng hoa tươi dao động từ 10 - 15 triệu đồng.
Rạp đám hỏi
Phông rạp đám hỏi thông thường cần từ 5 - 10 khung rạp tương ứng 10 - 20 bàn tiệc 6 khách. Chi phí thuê khung rạp đám hỏi đã trang trí đèn, lụa, hàng rào gỗ và hoa lá dao động từ 5 - 10 triệu đồng ( 800,000 - 1 triệu đồng/khung).
Sân khấu đám hỏi
Sân khấu đám hỏi được trang trí bằng bục gỗ cao, phông backdrop nhung hoặc hoa lá, ảnh cưới, tên cô dâu chú rể, hệ thống âm thanh ánh sáng, và MC dẫn chương trình. Chi phí trang trí sân khấu đám hỏi dao động từ 5 - 10 triệu đồng đã bao gồm tất cả các hạng mục trên, tuy nhiên nếu muốn thuê thêm (máy chiếu, pháo,...) hoặc trang trí theo yêu cầu (phông hoa lá hoàn toàn,...) thì gia đình sẽ cần chi trả thêm với giá cả thương lượng.
Bàn ghế đám hỏi
Trang trí bàn ghế đám hỏi thường đi theo combo, một combo bàn ghế đám hỏi bao gồm 1 bàn, 6 ghế, 1 ấm nước, 6 chén, 1 đĩa bánh kẹo theo tầng, 1 bình hoa lụa, 1 gạt tàn thuốc và khăn trải bàn, nơ hoa cho ghế. Chi phí thuê bàn ghế đám hỏi dao động từ 300,000/ bộ nếu là ghế gỗ trắng và từ 500,000/combo nếu là ghế có nệm VIP.

Bước 3: Chuẩn bị tiệc đám hỏi

Nhà gái chỉ cần chuẩn bị tiệc ngọt cho đám hỏi nếu hai gia đình không quá xa nhau. Trước tiên, nhà gái có thể tham khảo dịch vụ trang trí đám hỏi có gồm tiệc ngọt hay không và thuê kèm để tiết kiệm chi phí.
Trường hợp dịch vụ trang trí không bao gồm hoặc chi phí tiệc ngọt không hợp lý thì nhà gái có thể tự chuẩn bị bằng cách mua các loại bánh kẹo, trái cây tươi, thạch và trà với chi phí từ 1 - 2 triệu đồng.
Nhà gái sẽ cần chuẩn bị cả tiệc mặn nếu hai gia đình ở xa nhau (khác tỉnh thành). Nhà gái có thể tự chuẩn bị tiệc đám hỏi với thực đơn 5 - 7 - 9 món bằng cách tham khảo 18+ thực đơn cưới hỏi ngon rẻ nếu ngân sách cho tiệc ăn hỏi không lớn (dưới 1 triệu đồng/mâm) và nhân lực đầy đủ.
Nhà gái nên cân nhắc đặt dịch vụ tiệc đám hỏi nếu có ngân sách cao hơn (từ 1 triệu đồng/1 mâm trở lên) vì các bên dịch vụ có nhiều năm kinh nghiệm rồi, vừa giúp nhà gái tiết kiệm thời gian, công sức vừa đảm bảo chất lượng tiệc hơn.

Bước 4: Chuẩn bị phương tiện di chuyển

Nhà trai cần chuẩn bị 1 - 2 chiếc ô tô 16 chỗ ngồi để tiện việc di chuyển và để tráp lễ tới nhà gái ăn hỏi. Gia đình nên tham khảo từ 2 - 3 nhà xe về giá cả, chất lượng xe như ghế ngồi có êm không, màu sơn bị bong nhiều hay không, cốp xe có thoải mái để tráp lễ hay không và tham khảo chất lượng lái xe của bác tài. Thường chi phí thuê xe ăn hỏi sẽ dao động từ 3 - 5 triệu/xe/hai chiều.

6. Thủ tục lễ ăn hỏi gồm những gì?

Bước 1: Nhà trai rước lễ đến nhà gái

Vào giờ vàng trong ngày ăn hỏi, gia đình nhà trai cùng đội bê tráp nam (thường được lựa chọn là anh em, bạn bè của chú rể chưa kết hôn) sẽ mang tráp lễ đã chuẩn bị sang nhà gái. 
Khi gần tới nhà gái (cách nhà gái 100m), nhà trai dừng lại đỗ xe và sắp xếp đội hình như đã chuẩn bị từ trước. Đội hình sắp xếp theo thứ tự vai vế, cụ thể bắt đầu từ ông bà rồi mới đến bố mẹ chú rể, các bác, cô chú và cuối cùng là chú rể và đội tráp lễ.
Đội hình tráp lễ nhà trai sẽ được sắp xếp theo thứ tự lần lượt là tráp trầu cau, tráp rượu thuốc, tráp lợn sữa, tráp hoa quả, tráp xôi gà và cuối cùng là các tráp cao như tráp bánh cốm - bánh phu thê và tráp chè - mứt hạt sen. Tuy nhiên đội hình tráp lễ có thể thay đổi tùy theo nhu cầu hai bên và sự chỉ đạo của nhiếp ảnh gia để có những bức hình đẹp nhất.

Bước 2: Nhà gái nhận tráp lễ từ nhà trai

Khi thấy nhà trai chuẩn bị tiến vào, nhà gái cũng cần sắp xếp đội hình tương xứng với nhà trai như các cụ lớn tuổi ở đầu, sau đó lần lượt là bố mẹ cô dâu, bác bá chú dì và cuối cùng là đội tráp nữ.
Cùng lúc đó, MC sẽ giới thiệu sự có mặt của nhà trai để đội bê tráp nam mang lễ vật vào trao cho nhà gái. Sau khi đội bê tráp nữ nhận lễ vật, họ sẽ chuyển các tráp vào khu vực gia tiên đã được chuẩn bị từ trước. Rồi hai đội bê tráp sẽ tiến hành trao lì xì cho nhau để tượng trưng cho việc trao duyên giữa hai bên gia đình.

Bước 3: Chú rể lên gặp mặt cô dâu

Sau khi đặt xong sính lễ, chú rể sẽ lên phòng cô dâu và dẫn cô dâu xuống thắp hương gia tiên nhà gái. Sau khi thắp hương xong gia tiên, cô dâu và chú rể sẽ tiến hành chào hỏi hai bên gia đình, bạn bè bằng cách mời nước và dùng tiệc ngọt.

Bước 4: Hai bên gia đình tiến hành nghi lễ ăn hỏi

Nhà trai sẽ cử đại diện đứng lên phát biểu trước toàn thể họ hàng hai bên để thông báo về việc nhà trai xin hỏi cưới cô gái và mong muốn sự chấp thuận của nhà gái. Sau đó, nhà gái cũng sẽ có đại diện phát biểu hứa gả cô gái cho chàng trai.

Bước 5: Nhà gái đáp lại lễ vật của nhà trai

Lễ vật ăn hỏi sau khi trao sẽ được lấy một ít đặt lên bàn thờ gia tiên nhà gái. Sau khi ăn hỏi xong, nhà gái sẽ chuyển lại một ít trầu cau, bánh trái và chè cho nhà trai bằng túi nhỏ được chuẩn bị sẵn trong từng tráp lễ, số còn lại sẽ được chia cho họ hàng và người thân.

Những lưu ý trong lễ ăn hỏi

Cô dâu không được có mặt trước khi chú rể bước vào
Cô dâu nên ngồi đợi trong phòng của mình cho đến khi chú rể đón ra tiến hành buổi lễ ăn hỏi do quan điểm ngày xưa nếu cô dâu có mặt tại lễ ăn hỏi trước khi chú rể bước vào sẽ bị đánh giá là vô ơn bội nghĩa và không chung thuỷ.
Tang quyến không nên tham gia
Người có tang dưới 100 ngày không nên tham dự lễ ăn hỏi do quan niệm của người Việt Nam tang lễ mang đến sự đau thương, mất mát và không may mắn. Sau 100 ngày, người chịu tang được phép tham dự lễ ăn hỏi tuy nhiên cũng nên hạn chế tiếp xúc với cô dâu và chú rể.
Hai gia đình cần tránh sử dụng dao kéo khi chuẩn bị lễ ăn hỏi
Hai bên gia đình nên theo dõi bên dịch vụ nếu đặt tráp hoặc nên xé trầu cau thay vì dùng dao hay kéo trong quá trình chuẩn bị tráp lễ. Bởi việc sử dụng dao kéo trong khâu chuẩn bị trầu cau phục vụ lễ ăn hỏi mang ý nghĩa xa cách trong hôn nhân.
Hai gia đình cần tránh đổ vỡ trong ngày ăn hỏi
Hai bên gia đình cần dọn dẹp, cất gọn đồ đạc dễ vỡ và cẩn thận trong khâu chuẩn bị cho lễ ăn hỏi do việc đổ vỡ (bát đĩa, lọ hay gương) trong những dịp quan trọng là điềm xấu theo quan niệm của người Việt Nam, thể hiện sự đổ vỡ, chia cách trong hôn nhân của cặp đôi.
Hai bên gia đình cần tránh chuẩn bị bàn thờ gia tiên quá sơ sài
Hai bên gia đình cần dọn dẹp sạch sẽ và trang trí bàn thờ gia tiên thật chu đáo để thay cho lời mời tổ tiên quây quần niềm vui lớn của gia đình, cũng như mong tổ tiên phù hộ cho cặp đôi có cuộc sống hôn nhân thuận lợi sau này.
Nguồn: DatLe Photos & Salute

7. Trình tự tổ chức lễ ăn hỏi và lễ đón dâu cùng một ngày gồm những gì?

Nếu cặp đôi tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới cùng một ngày, sau khi tiến hành xong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ xin phép chuẩn bị cho nghi thức đón dâu. Khi đó, toàn bộ gia đình nhà trai sẽ ra xe và chuẩn bị lại tư trang, lễ vật cho lễ đón dâu. Còn toàn bộ nhà gái sẽ chuẩn bị bàn ghế, gia tiên cho lễ đón dâu.
Thủ tục đón dâu bao gồm 4 bước: nhà trai tiến hành nghi thức xin dâu, hai bên gia đình chào hỏi và phát biểu, cô dâu chú rể ra mắt gia đình, đón dâu và thực hiện nghi lễ thành hôn tại nhà trai.

Bước 1: Nhà trai tiến hành nghi thức xin dâu

Trước giờ đón dâu chính thức, đại diện nhà trai thường là mẹ hoặc cô, bác của chú rể mang một tráp lễ nhỏ có trầu cau, chè, hoa quả phủ khăn thường là màu đỏ trao cho mẹ cô dâu thắp hương bàn thờ gia tiên nhà gái.

Bước 2: Gia đình nhà trai chào hỏi, phát biểu xin dâu

Sau khi thực hiện xong nghi lễ xin dâu, nhà gái mời nhà trai an tọa tại các dãy bàn được chuẩn bị và sắp xếp chỗ ngồi cho nhà trai. Đại diện nhà trai xin phép được giới thiệu và phát biểu trình bày nguyện vọng xin dâu trước toàn thể hội hôn. Đại diện nhà gái cũng đáp lễ, giới thiệu và phát biểu nhận rể, đồng ý cho nhà trai đón dâu.

Bước 3: Cô dâu chú rể ra mắt gia đình nhà gái

Sau khi đại diện hai bên gia đình phát biểu thủ tục xin dâu, chú rể sẽ lên phòng trao cho cô dâu bó hoa cưới và đón cô dâu xuống nhà thắp hương gia tiên nhà gái. Sau đó, cô dâu chú rể sẽ ra mắt và chào hỏi toàn thể hội hôn.

Bước 4: Hai bên gia đình đón dâu về nhà trai

Đến giờ đẹp định sẵn, nhà trai sẽ xin phép đón dâu về nhà mình, cô gái chính thức lên xe hoa theo chú rể về nhà chồng. Cô dâu cần lưu ý luôn nhìn thẳng trong lễ xin dâu, tránh quay lại nhìn về phía nhà gái thể hiện hướng đến một cuộc sống hạnh phúc ấm no phía trước.

Bước 5: Hai bên gia đình làm lễ thành hôn tại nhà trai

Cô dâu chú rể và đoàn rước dâu, đưa dâu sẽ đến gia đình nhà trai để tiến hành nghi lễ đón dâu và lễ thành hôn. Cô dâu chú rể cần vào nhà làm lễ thắp hương gia tiên, sau đó đại diện nhà trai sẽ dẫn cô dâu vào thăm phòng tân hôn mang ý nghĩa thông báo cho cô dâu về hoàn cảnh gia đình nhà trai.
Tiếp theo, cô dâu chú rể ra khu vực chính của lễ thành hôn, MC sẽ thông báo tới toàn thể hội hôn về việc thành hôn của cô dâu chú rể và mời đại diện hai bên gia đình phát biểu. Cô dâu chú rể thực hiện nghi thức trao nhẫn cưới và bố mẹ, họ hàng hai bên trao lễ vật kỷ niệm cho cô dâu chú rể và nhắn nhủ đôi vợ chồng mới cưới.
Kết thúc lễ thành hôn là bữa tiệc mặn được chuẩn bị bởi nhà trai, cô dâu chú rể và bố mẹ hai bên sẽ đi gửi lời cảm ơn và chia sẻ niềm vui tới toàn thể khách mời. Sau đó, mọi người sẽ liên hoan ca nhạc, chúc mừng đôi tân lang tân nương và ra về.
Lễ ăn hỏi là một lễ trọng trong phong tục hôn nhân, chính vì vậy cặp đôi nên tìm hiểu kỹ càng về tráp ăn hỏi, nghi lễ ăn hỏi và chuẩn bị cho lễ ăn hỏi từ 2 - 3 tháng trước ngày ăn hỏi nhé. Để tìm hiểu đầy đủ về thủ tục cưới hỏi, cặp đôi có thể tham khảo thêm Thủ tục cưới hỏi từ A - Z ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam.

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!