Lễ đính hôn là gì? Ý nghĩa của lễ đính hôn
Lễ đính hôn hay còn gọi là lễ ăn hỏi (đám hỏi) là một nghi thức truyền thống được coi như thông báo chính thức về việc hứa gả con giữa hai bên gia đình với nhau. Kể từ sau lễ đính hôn, cặp đôi có thể coi nhau như vợ chồng sắp cưới.
Thông thường, lễ đính hôn sẽ
diễn ra trước lễ cưới khoảng 1 tháng hoặc thậm chí là có thể
gộp chung với lễ cưới để tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây được xem là bước đệm đặc biệt để tiến tới lễ cưới chính thức nên sẽ có khá nhiều nghi thức quan trọng cần quan tâm như chuẩn bị bàn thờ gia tiên hay lễ vật mang sang nhà gái.
Cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn?
Để lễ đính hôn được diễn ra trọn vẹn thì các hoạt động để chuẩn bị cho ngày lễ này cũng rất quan trọng và cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Vậy hãy cùng Nắmtay tìm hiểu xem nhà trai và nhà gái trong ngày lễ này cần chuẩn bị những gì nhé.
Nhà gái cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn?
Để chuẩn bị cho lễ đính hôn, nhà gái cần trang trí bàn thờ gia tiên, trang trí không gian gia đình, chuẩn bị bánh kẹo, nước chè để tiếp đón nhà trai một cách chu đáo nhất. Tuỳ vào điều kiện từng gia đình và phong tục tập quán của từng địa phương mà nhà gái có thể chuẩn bị thêm cỗ mặn để mời nhà trai ở lại thưởng thức.
Chuẩn bị bàn thờ gia tiên
Đầu tiên, họ nhà gái cần lau dọn và sửa soạn lại
bàn thờ gia tiên của gia đình. Bàn thờ có thể được phủ thêm một tấm vải đỏ, hai bên sẽ trang trí bằng câu đối hoặc chữ song hỷ và có thể đốt thêm trầm hương hoặc hương vòng để không khí phòng thờ thêm ấm cúng hơn.
Ngoài ra, nhà gái có thể cắm thêm bình hoa tươi, bày biện mâm ngũ quả và một số lễ vật khác như gà luộc, xôi gấc để tăng thêm sự tươm tất khi mời ông bà về cùng trong lễ đính hôn.
Vì lễ đính hôn sẽ diễn ra tại nhà gái nên nhà gái cần dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại bàn ghế để tạo không gian cho buổi lễ đính hôn, chuẩn bị
backdrop đám hỏi và trang trí
cổng hoa cưới. Bên cạnh đó, nếu gia đình có cầu thang thì có thể trang trí thêm bằng bóng bay, nơ hoặc các dải lụa để ngôi nhà thêm nổi bật hơn.
Gia đình nhà gái sẽ cần chuẩn bị cỗ mặn để mời nhà trai dùng bữa sau khi kết thúc buổi lễ đính hôn. Mâm cơm sẽ có 5, 7 hoặc 9 món, thông thường sẽ có gà luộc, xôi trắng, canh củ quả và một vài món ăn mặn phù hợp với khẩu vị từng vùng miền như chả mực, cá hấp, mực chiên. Bên cạnh đó, nhà gái có thể bổ sung thêm các món tráng miệng như dưa hấu, dưa gang hoặc chè hay bánh ngọt.
Nhà trai cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn?
Ngoài việc trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị cỗ như nhà gái thì nhà trai cần chuẩn bị thêm lễ vật và trang sức để mang sang nhà gái. Tùy theo từng vùng miền và phong tục của mỗi địa phương mà các lễ vật này có thể có sự khác biệt. Hãy cùng Nắmtay tìm hiểu xem sự khác biệt đó ngay sau đây nhé.
Nhà trai cần chuẩn bị lễ vật ăn hỏi với số lượng tuỳ theo vùng miền và theo sự thống nhất của hai nhà. Chẳng hạn như miền Bắc thường yêu cầu 5, 7 hoặc 9 tráp lễ trong khi miền Nam lại yêu cầu lễ vật theo số chẵn như 6, 8 hoặc 10 tráp.
Về lễ vật trong từng tráp, các món lễ vật ăn hỏi không thể thiếu là trầu cau, trà và rượu. Nhà trai cũng có thể chuẩn bị thêm hoa quả, bánh mứt, bánh phu thê, heo quay hay xôi gà để lễ vật thêm phong phú, đa dạng hơn nhé.
Chuẩn bị trang sức và tiền cảm ơn
Nhà trai cũng cần chuẩn bị một số trang sức để trao cho cô dâu trong buổi lễ đính hôn. Bộ trang sức cơ bản bao gồm vòng cổ, khuyên tai và kiềng đeo tay. Tuỳ vào từng điều kiện của mỗi gia đình mà trang sức có thể làm từ vàng nguyên khối hoặc mạ vàng để phù hợp với ngân sách.
Bên cạnh đó, gia đình nhà trai cũng nên chuẩn bị tiền lễ đen để sự trả ơn về công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ cô dâu cũng như chia sẻ một phần chi phí cho phía gia đình nhà gái.
Cụ thể, theo phong tục miền Bắc thì tiền cảm ơn phải là số lẻ như 1 triệu, 3 triệu, 5 triệu hay 7 triệu. Còn với người miền Nam thì lại quan niệm rằng số tiền cảm ơn phải là số chẵn như 2 triệu hay 4 triệu. Ngoài ra, để phù hợp với điều kiện tài chính của nhà trai, hai bên gia đình có thể bàn bạc với nhau để thống nhất về số tiền này.
Trình tự nghi thức lễ đính hôn
Dù lễ đính hôn đã rất quen thuộc tuy nhiên vẫn không ít người chưa hiểu rõ được trình tự đầy đủ các bước để tổ chức ngày lễ trọng đại này. Để lễ đính hôn được diễn ra một cách trọn vẹn nhất, cặp đôi có thể tham khảo trình tự tổ chức mà Nắmtay giới thiệu ngay dưới đây nhé.
Nhà trai chào hỏi và trao lễ vật cho nhà gái
Vào lễ đính hôn, theo ngày giờ đã được hai bên gia đình thống nhất, nhà trai sẽ mang tráp lễ đính hôn đến nhà gái. Chủ hôn và phụ rể sẽ bưng khay trầu cau và rượu vào nhà gái trước để trình diện lễ ăn hỏi. Nếu nhà gái chấp thuận thì nhà trai mới được vào nhà cùng các mâm sính lễ phía sau và dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Sau đó, đại diện hai bên gia đình sẽ thay mặt để
phát biểu và nói lời cảm ơn. Thông thường, lễ đính hôn sẽ kéo dài từ 30 phút - 1 tiếng. Do vậy, đại diện hai bên gia đình cần phát biểu ngắn gọn và đúng trọng tâm,
bài phát biểu chỉ nên kéo dài từ 2 - 5 phút để không ảnh hưởng đến thời gian và các nghi thức khác của buổi lễ.
Cô dâu ra mắt hai họ
Khi đã đồng ý nhận tráp của nhà trai, gia đình nhà gái sẽ cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào hỏi và ra mắt gia đình nhà trai. Một lưu ý nhỏ là cô dâu không được tự ý xuất hiện trước hai bên gia đình mà phải ngồi chờ chú rể lên đón vì theo quan niệm dân gian, hành động này sẽ bị đánh giá là thiếu lễ phép và cô dâu khi về nhà chồng sẽ không được xem trọng.
Sau khi chú rể lên đón, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau đi xuống để chào hỏi hai bên gia đình. Cô dâu sẽ rót nước mời gia đình chú rể và ngược lại chú rể sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
Cô dâu chú rể dâng hương lên bàn thờ gia tiên
Sau khi cô dâu ra mắt họ nhà trai, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và
lễ đen để dâng lên bàn thờ gia tiên. Đồng thời, bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể thắp hương trên bàn thờ nhà gái để ra mắt ông bà, tổ tiên.
Mẹ chú rể trao nữ trang cho cô dâu
Ở nghi thức này, mẹ chú rể sẽ trao nữ trang cho cô dâu với ý nghĩa tặng sự giàu sang và sung túc cho đôi uyên ương, thể hiện tình cảm thân thiết, sự trân trọng cô dâu mới và cũng là món quà kỷ niệm của mẹ chồng đối với nàng dâu .
Hai bên gia đình bàn bạc lễ cưới
Sau khi hoàn thành xong các nghi lễ, hai bên gia đình sẽ ngồi lại và bàn bạc các khâu chuẩn bị cho ngày cưới của hai con như thời gian tiến hành lễ cưới hay chuẩn bị xe cộ đưa đón hai bên gia đình. Trong khoảng thời gian hai bên gia đình đang bàn bạc, cô dâu chú rể có thể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
Hai bên gia đình dùng bữa cơm thân mật
Sau khi kết thúc lễ đính hôn, gia đình nhà gái sẽ mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật để gia tăng tình cảm hai bên gia đình. Đây cũng được coi là một hình thức cảm ơn của gia đình nhà gái tới công dưỡng dục của gia đình nhà trai với chú rể và cũng là lời gửi gắm con gái với gia đình thông gia.
Nhà gái lại quả cho nhà trai
Trước khi nhà trai ra về, nhà gái sẽ lấy một ít lễ vật từ tráp đính hôn để đáp lễ với nhà trai. Lễ nên được chia đều cho hai bên gia đình và phải được chia hoàn toàn bằng tay, tránh dùng dao, kéo. Mâm quả khi trả lễ phải để ngửa nắp vì theo quan niệm dân gian, nếu không thực hiện những điều này có thể sẽ mang lại sự chia cắt cho cô dâu và chú rể trong tương lai.
Để lễ đính hôn diễn ra trọn vẹn, cô dâu chú rể nên tìm hiểu kỹ càng về trình tự các bước thực hiện lễ đính hôn và gia đình hai bên cần chuẩn bị gì cho ngày lễ này. Bên cạnh đó, cô dâu chú rể hãy tham khảo bài viết 8 điều kiêng kỵ trong lễ ăn hỏi của Nắmtay để biết được những điều cần tránh có thể mang lại xui xẻo, trắc trở trong cuộc sống hôn nhân sau này của hai bạn nhé.