Gợi ý 3 mẫu trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi đúng lễ nghi
Trang trí bàn thờ gia tiên là công việc không thể thiếu thể hiện sự chu đáo và lòng thành kính của gia chủ đối với tổ tiên trong đám hỏi. Việc trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi không cần quá cầu kỳ nhưng phải đủ trang nghiêm và tôn trọng phong tục tập quán của từng vùng miền.

Vậy trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi đúng cách cần những đồ vật gì? Có những concept trang trí bàn thờ gia tiên nào đẹp? Chi phí trang trí bàn thờ gia tiên là bao nhiêu? Hãy cùng Nắmtay tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Trang trí bàn thờ gia tiên cần những đồ vật gì?

Trong đám hỏi, một phần sính lễ của nhà trai sẽ được nhà gái dâng lên bàn thờ nên việc trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi không cần quá cầu kỳ. Các đồ vật trang trí bàn thờ gia tiên cơ bản bao gồm: Bộ đồ thờ, nhang, nến hoặc đèn, phông màn và khăn phủ bàn thờ, bình hoa, mâm ngũ quả, chữ Hỷ và thánh giá đối với những gia đình theo Đạo. Hãy cùng Nắmtay tìm hiểu chi tiết hơn về các dụng cụ trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi ngay dưới đây nhé.

Bộ tam sự 

Bộ tam sự gồm có 1 lư hương và 2 chân nến hoặc 1 lư hương và 1 đôi hạc thờ. Lư hương thường được đặt ở vị trí trong cùng, chính giữa bàn thờ và bên cạnh là hai chân nến dùng để đựng cốc nến hoặc cắm nến cây. Bộ tam sự nếu thêm 1 bình hoa và 2 cây để đĩa dầu được gọi là bộ ngũ sự. 
Bộ tam sự thường được làm bằng gỗ hoặc đồng và có mức giá dao động từ 5.000.000 - 40.000.000 VNĐ tùy vào chất liệu và kích thước của từng bộ. Để mua được bộ đồ thờ gia tiên uy tín và chất lượng, cặp đôi có thể tham khảo các cửa hàng bán đồ thờ cúng dọc con phố Đê La Thành với nhiều mức giá phù hợp với nhu cầu của từng cặp đôi.

Nến hoặc đèn

Việc sử dụng nến hoặc đèn phụ thuộc vào phong tục của mỗi vùng miền khác nhau. Nếu người miền Nam phần lớn sử dụng nến long phụng, miền Trung sử dụng nến tơ hồng thì đa số gia đình miền Bắc sử dụng đèn điện tử.
Ở miền Nam, tùy theo tôn giáo mà nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn chân nến còn nhà trai sẽ chuẩn bị cặp nến khắc hình long phụng màu hồng hoặc đỏ trong tráp lễ. Cặp nến được sử dụng thường là cặp số 6 nên gia đình có thể lựa chọn chân nến 4 tấc để có kích thước tương xứng.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho buổi lễ gia tiên, nhà gái sẽ phải chuẩn bị thêm nhang (miền Bắc gọi là hương). Việc chọn nhang sẽ có sự khác nhau về chất liệu và mùi hương nhưng về cơ bản, chân nhang phải có màu đỏ và thân nhang có màu vàng hoặc nâu. Cặp đôi nên chọn nhang có chất lượng cao, mùi hương dịu nhẹ, thân thiện với môi trường.

Phông màn và khăn phủ bàn thờ

Để việc trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi được thống nhất, cặp đôi nên lựa chọn phông màn và khăn phủ cùng một tone màu nhưng làm từ các chất liệu khác nhau như phông màn màu hồng nhạt làm bằng vải voan mỏng nhẹ kết hợp với khăn phủ màu trắng làm từ vải satin bóng. 
Với tính chất chỉ dùng 1 lần trong đám hỏi, cặp đôi nên thuê phông màn và khăn phủ bàn thờ chung với các gói trang trí đám cưới vừa tiết kiệm chi phí lại vừa thân thiện với môi trường.

Bình hoa tươi

Bình hoa tươi là một trong những đồ vật không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên đám hỏi. Gia đình cần chuẩn bị hai lọ hoa tươi có màu sắc rực rỡ đặt đối xứng với nhau. Ngoài ra, gia chủ cũng có thể sử dụng thêm lẵng hoa, giỏ hoa hoặc đĩa hoa để trang trí thêm cho bàn thờ gia tiên.
Các loại hoa thường được sử dụng là hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, hoa sen hoặc hoa lay ơn. Một lưu ý nhỏ dành cho cô dâu chú rể là các bạn nên lựa chọn các loại hoa theo mùa hoặc mua hoa với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí nhé.

Mâm ngũ quả

Ngoài mâm ngũ quả trong tráp sính lễ của nhà trai mang đến thì nhà gái cần chuẩn bị riêng một mâm ngũ quả đặt chính giữa bàn thờ. Việc lựa chọn các loại quả trong mâm ngũ quả sẽ phụ thuộc vào phong tục của từng vùng miền khác nhau. Nếu miền Bắc thường chuộng táo, cam, nho, lê, xoài, thanh long thì miền Nam lại chọn nho, táo, thanh long, mãng cầu, xoài.
Ngoài ra, một mẹo dành cho cô dâu để tránh việc làm rơi, đổ mâm ngũ quả trong quá trình chuẩn bị là bạn có thể cố định các loại hoa quả bằng băng dính trong bản nhỏ hoặc keo nến vừa chắc chắn lại không làm mất đi tính thẩm mỹ của mâm ngũ quả.

Chữ Hỷ và câu đối 

Chữ Hỷ viết bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ thường thường được viết trên nền giấy màu đỏ có kích thước lớn và được dán chính giữa tấm phông màn. Để phần trang trí không bị trống, cặp đôi có thể chọn thêm 2 câu đối, dán cân xứng hai bên cạnh chữ Hỷ. 
Các câu đối bằng chữ Hoa với ý nghĩa chúc phúc cho đôi uyên ương thường được dùng là “Trăm năm tình viên mãn, đầu bạc nghĩa phu thê” hay “Loan Phụng hòa minh, sắc cầm hảo hợp”.

Thánh giá dành cho gia đình theo Đạo

Với những gia đình theo Đạo, trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi sẽ không cần đến bộ tam sự hay chữ Hỷ mà thay vào đó là một cây thánh giá đặt ở vị trí trung tâm của tấm phông màn. Ngoài ra, gia đình cô dâu chú rể có thể treo thêm dòng chữ “Thiên chúa là tình yêu” ở ngay phía trên cây thánh giá.
Để việc trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi được theo đúng phong thủy, cô dâu chú rể có thể tham khảo bài viết Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới đầy đủ nhất của Nắmtay để nắm rõ trình tự các bước trang trí đúng lễ nghi nhé. 

3 concept trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi sang trọng

Hiện nay, thị trường cưới hỏi có rất nhiều concept trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi vừa đẹp vừa sang trọng nhưng về cơ bản, trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi thường đi theo 3 phong cách truyền thống, rustic và ngọt ngào. Cô dâu chú rể hãy cùng Nắmtay tìm hiểu chi tiết cách trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi theo từng phong cách này ngay dưới đây nhé..

Trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi phong cách truyền thống

Trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi phong cách truyền thống sẽ có tông màu chủ đạo là màu đỏ. Cặp đôi có thể lựa chọn khăn phủ, hoa hồng đỏ là vật trang trí chính cho bàn thờ. Bên cạnh đó, để làm dịu sắc đỏ bao trùm, bạn có thể khéo léo sử dụng một vài đồ vật màu vàng đồng như bộ tam sự và chân nến để tạo sự đối lập nhé. 

Trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi phong cách rustic

Đặc trưng của trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi phong cách rustic là những gam màu trầm như nâu gỗ, xám hay xanh lá đậm. Do đó, cô dâu chú rể hãy thử đổi mới cho bàn thờ gia tiên đám hỏi của mình bằng những khay đựng hoa quả bằng gỗ thay cho những chiếc khay sứ hoặc sử dụng bình hoa được trang trí bởi dây cói thay cho bình hoa họa tiết sặc sỡ như trước kia. 
Vì đã có nhiều sắc trầm trong việc lựa chọn bát đĩa, bình hoa, cô dâu chú rể nên chọn khăn phủ màu trắng hoặc be để tạo nên một tổng thể hài hoà khi kết hợp các đồ vật trang trí với nhau.

Trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi phong cách ngọt ngào

Trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi theo phong cách trang trí ngọt ngào sẽ phù hợp với những tone màu pastel nhẹ nhàng như hồng baby, trắng sữa, tím nhạt. Với phong cách này, cô dâu chú rể nên sử dụng chữ Hỷ cùng tông màu hoặc màu vàng hồng để tăng sự nổi bật.

Chi phí trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi

Chi phí tự trang trí bàn thờ gia tiên đám hỏi sẽ dao động từ 3.500.000 - 5.000.000 VNĐ phụ thuộc rất nhiều vào phong cách trang trí mà bạn lựa chọn và những đồ vật để bày biện trên bàn thờ. Hiện nay, để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhiều cặp đôi đã tìm đến các bên có dịch vụ trang trí đám hỏi chuyên nghiệp với mức giá dao động từ 5.000.000 VNĐ - 20.000.000 VNĐ
Dưới đây là một số địa chỉ uy tín có dịch vụ trang trí đám hỏi tại Hà Nội mà cô dâu chú rể có thể tham khảo:
❤️ Phi Điệp Wedding - 13 Nguyễn Huy Tự, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
❤️ Linh Vũ Wedding & Event - Số 2 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội.
❤️ Song Anh Wedding - Số nhà 10, Lô C2, Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy.
❤️ VOAN Wedding & Event Consultant - Số 8A Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.
❤️ Venus - Đầu ngõ 133 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.
Để việc trang trí bàn thờ gia tiên được diễn ra đúng nghi thức, cặp đôi nên tìm hiểu kỹ những điều kiêng kỵ khi để các đồ vật lên bàn thờ hoặc nhờ tới sự trợ giúp của những bậc tiền bối trong gia đình. Bên cạnh đó, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết Kinh nghiệm tự trang trí đám hỏi tại nhà đẹp mà tiết kiệm của Nắmtay để việc trang trí đám hỏi trở nên dễ dàng hơn nhé.