Kịch bản chương trình lễ ăn hỏi đầy đủ. Kịch bản MC lễ ăn hỏi hoàn hảo nhất
Lễ ăn hỏi là một thủ tục cưới truyền thống được tổ chức trước lễ cưới của người Việt Nam. Bên cạnh sự chuẩn bị về địa điểm, trang phục hay lễ vật ăn hỏi của hai bên gia đình, để buổi lễ được diễn ra suôn sẻ, một kịch bản chương trình lễ ăn hỏi chỉnh chu là không thể thiếu. 

Nếu bạn còn mông lung chưa biết mình phải xây dựng kịch bản lễ ăn hỏi thế nào cho phù hợp, cần tham khảo phần lời MC lễ ăn hỏi chỉnh chu thì hãy tham khảo bài viết dưới đây của Nắmtay nhé!

Kịch bản chương trình lễ ăn hỏi đầy đủ nhất

Một kịch bản chương trình lễ ăn hỏi thông thường bao gồm 8 bước, từ việc chào hỏi giữa hai gia đình, đến trao lễ vật, cô dâu chú rể ra mắt toàn thể quan khách, thực hiện nghi thức lễ gia tiên cho đến hai gia đình bàn bạc về lễ cưới. 
Cùng Nắmtay tìm hiểu cụ thể từng bước trong kịch bản lễ ăn hỏi có những công việc gì và cần lưu ý điều gì trong phần dưới đây nhé.

Bước 1: Nhà trai mang lễ vật đến nhà gái

Buổi lễ ăn hỏi được mở đầu bằng việc nhà trai mang theo lễ vật ăn hỏi và di chuyển sang nhà gái. Lễ vật ăn hỏi là những tráp lễ được nhà trai chuẩn bị từ trước ngày lễ ăn hỏi 1 - 2 tuần để hỏi cưới cô dâu. Đúng vào ngày lành tháng tốt đã định, gia đình nhà trai sẽ tiến hành di chuyển sang nhà gái.
Nhà trai cần lưu ý kiểm tra thật kỹ các sính lễ trước giờ khởi hành xem có thiếu sót hay hư hỏng gì không. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị trước lộ trình tiến đến nhà gái, căn thời gian sao cho đến trước giờ hẹn 30 phút để không lỡ mất giờ hoàng đạo đã thống nhất từ trước nhé. 
Khi đã đến nhà gái, nhà trai sẽ đỗ xe cách nhà gái khoảng 100m và tiến hành xuống xe, xem lại trang phục sao cho chỉnh tề. Đồng thời sắp xếp thứ tự di chuyển vào gia đình nhà gái để tránh lộn xộn nhé. 

Bước 2: Hai gia đình chào hỏi và trao lễ vật

Đúng vào giờ lành làm lễ, gia đình nhà trai sẽ tiến vào nhà gái theo thứ tự có vai vế từ cao xuống thấp: đầu tiên là trưởng họ tộc, ông bà, theo sau là bố mẹ chú rể và các bậc cô dì chú bác, cuối cùng sẽ là chú rể và đội bưng tráp nam. 
Nhà trai cũng cần chú ý về thứ tự bê tráp lễ khi tiến vào nhà gái. Cụ thể đi đầu sẽ là tráp trầu cau, tiếp theo là tráp rượu thuốc, rồi đến tráp chè - hạt sen, tráp bánh cốm - bánh phu thê và cuối cùng là tráp hoa quả rồng phượng. 
Khi gia đình nhà trai tiến vào, gia đình nhà gái sẽ đứng trước cổng để tiếp đón gia đình nhà trai. Gia đình cần lưu ý cô dâu sẽ ngồi trên phòng và không tham dự vào các nghi lễ này cho đến khi chú rể lên đón nhé.
Sau khi hai nhà chào hỏi lẫn nhau, đội bê tráp nam sẽ tiến hành trao lễ vật cho đội bê tráp nữ. Trao xong tráp lễ ăn hỏi, hai gia đình sẽ tiến vào khu vực tổ chức lễ ăn hỏi mà nhà gái đã chuẩn bị. 

Bước 3: Đại diện hai gia đình phát biểu nhà phát biểu

Khi hai gia đình đã ổn định chỗ ngồi, đại diện mỗi bên sẽ đứng lên thay mặt gia đình phát biểu trong buổi lễ. Đại diện nhà trai sẽ phát biểu trước đại diện nhà gái, nói về mục đích của buổi lễ, tráp xin dâu và lời hỏi cưới cô dâu.
Sau khi đại diện gia đình nhà trai phát biểu thì đại diện gia đình nhà gái cũng đứng lên trình bày mục đích buổi lễ, nhận tráp lễ ăn hỏi và chấp thuận cho cô dâu chú rể nên vợ thành chồng.
Hai gia đình cần lưu ý phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đồng thời thể hiện phong thái tự tin, đĩnh đạc trong quá trình phát biểu. Cùng tham khảo 6 bài mẫu phát biểu họ nhà trai nhà gái của Nắmtay để có một bài phát biểu lễ ăn hỏi hay nhé.

Bước 4: Chú rể lên đón và gặp mặt cô dâu

Sau khi thực hiện xong nghi thức trao nhận tráp lễ, chú rể sẽ tiến lên phòng đón cô dâu xuống chào hỏi quan khách và thực hiện nghi lễ gia tiên. Nàng dâu cần lưu ý không được tự ý xuống khi chú rể chưa đón vì như vậy được coi là thiếu lễ phép. Bên cạnh đó, dân gian còn quan niệm rằng nếu mẹ chồng nhìn thấy cô dâu trước chú rể thì sau khi về nhà chồng, cô dâu sẽ không được xem trọng. 

Bước 5: Cô dâu chú rể thực hiện nghi lễ gia tiên

Mẹ cô dâu sẽ chọn một sính lễ đại diện mang dâng lên bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể sẽ thắp hương theo sự hướng dẫn của trưởng họ nhà gái, với mục đích ra mắt chú rể cũng như báo cáo với tổ tiên về buổi lễ ăn hỏi trọng đại hôm nay. Sau khi đã thắp hương, cô dâu chú rể quay trở lại buổi lễ để rót nước mời quan khách hai họ.

Bước 6: Hai gia đình bàn bạc về lễ cưới 

Sau khi đã thực hiện hết các nghi thức trên, hai bên gia đình sẽ ngồi lại bàn bạc, lên kế hoạch và thống nhất các công việc trong lễ cưới như ngày giờ, địa điểm và các nghi lễ quan trọng như lễ xin dâu, lễ rước dâu, lễ vu quy và lễ tân hôn. 
Trong đó, lễ xin dâu là nghi thức mẹ hoặc bà của chú rể mang lễ vật xin dâu đến hỏi cưới nhà gái một lần nữa, thường được thực hiện ngay trước lễ rước dâu. Lễ rước dâu là nghi thức gia đình nhà trai rước nàng dâu về nhà mình và tổ chức lễ thành hôn.
Lễ vu quy là lễ cưới được tổ chức tại nhà gái và lễ tân hôn là lễ cưới được tổ chức tại nhà trai. Nếu bạn chưa phân biệt được các nghi lễ quan trọng trong đám cưới, cùng tham khảo bài viết Lễ vu quy là gì? Phân biệt lễ vu quy với lễ thành hôn, lễ tân hôn và lễ đính hôn của Nắmtay nhé. 

Bước 7: Nhà gái thực hiện nghi lễ lại quả cho nhà trai

Trước khi nhà trai xin phép ra về, nhà gái sẽ cần lấy mỗi lễ vật một ít để trả lại cho nhà trai. Việt chia đồ, trả đồ phải thực hiện bằng tay, không sử dụng các công cụ dao, kéo và trả tráp cần để ngửa nắp. Sau đó, nhà trai xin phép ra về và nghi lễ ăn hỏi kết thúc. 
Bên cạnh nghi thức lại quả, thời điểm kết thúc lễ ăn hỏi cũng là lúc đội bê tráp hai bên trao đổi lì xì cho nhau để thể hiện sự bén duyên giữa hai nhà, đồng thời là nghi thức giúp đội bê tráp tránh mất duyên khi bê tráp đó. 

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!

Kịch bản MC lễ ăn hỏi đầy đủ nhất

Ngoài việc nắm rõ kịch bản của buổi lễ ăn hỏi diễn ra như thế nào thì việc chuẩn bị kịch bản MC cho ngày ăn hỏi là vô cùng cần thiết. Một kịch bản MC lễ ăn hỏi hoàn chỉnh gồm những phần chính như mở đầu, phần giới thiệu thành phần, thủ tục trao nhận lễ, chú rể đón cô dâu, thắp hương gia tiên, hai gia đình bàn bạc về lễ cưới và kết thúc buổi lễ. Cùng Nắmtay tham khảo mẫu kịch bản MC lễ ăn hỏi đầy đủ và hay nhất dưới đây nhé. 

Mở đầu

Lời đầu tiên, cho phép tôi xin kính chào các cụ, các ông, các bà, quan viên họ nhà trai, quan viên họ nhà gái đã có mặt trong hôn trường gia đình họ nhà gái trong buổi sáng ngày hôm nay để chúng ta cùng đến với buổi lễ ăn hỏi của cô dâu [Tên cô dâu] và chú rể [Tên chú rể]
Kính thưa các cụ, các ông các bà, đôi bạn trẻ [Tên cô dâu][Tên chú rể] sau khoảng thời gian gặp gỡ, tìm hiểu nhau, nhận thấy bản thân muốn đi cùng đối phương xây dựng một mái ấm suốt quãng đời còn lại. Đôi bạn trẻ của chúng ta đã thưa chuyện với hai gia đình, chọn ngày lành tháng tốt để đôi bạn trẻ được về bên nhau. Và ngày hôm nay, ngày… tháng… năm… chính là ngày phù hợp để nhà trai mang cơi trầu sang nhà gái, đôi bên trò chuyện thân tình với nhau.

Giới thiệu đại diện hai bên gia đình

Trước tiên, vị trưởng đoàn nhà trai sẽ có đôi lời thưa chuyện về thành phần tham dự ngày hôm nay và vị đại diện gia đình nhà gái sẽ có đôi lời đáp từ. Chúng ta cùng dành một tràng pháo tay cho trưởng đoàn nhà trai!
Đó là những lời giới thiệu vô cùng đầy đủ của quan viên họ nhà trai. Dạ vâng, “có đi có lại mới toại lòng nhau” tiếp theo bây giờ vị đại diện của gia đình nhà gái sẽ có đôi lời phát biểu và giới thiệu những thành phần quan trọng có mặt trong buổi lễ hôm nay, xin kính mời!
Người Kinh Bắc thường nói một câu như này:
“Hôm nay sum họp trúc mai
Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm
Hôm nay tứ hải giao tình
Tuy rằng bốn biển nhưng sinh một nhà”
Tuy rằng chúng ta ở những nơi khác nhau nhưng hôm nay đã tụ họp nơi đây để cùng chung vui, chúc mừng, chứng kiến cho lễ ăn hỏi của đôi bạn trẻ, đó là một điều vô cùng quý giá của không chỉ hai bạn trẻ mà còn cả gia đình đôi bên.
Trong lễ ăn hỏi, một điều không thể thiếu đó chính là sính lễ ăn hỏi được nhà trai chuẩn bị rất chu đáo, đẹp mắt để cùng đưa đến gia đình họ nhà gái. 
Đầu tiên sẽ là mâm lễ trầu cau, một nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Nó tượng trưng cho sự son sắt trong mối quan hệ vợ chồng, với những quả trầu tròn trịa, mùi thơm của trầu quyện với vôi trắng đã tạo nên một ý nghĩa riêng rất sâu sắc cho mâm lễ.
Mâm lễ thứ hai, đó là mâm sính lễ rượu thuốc. Mâm sính sẽ được dâng lên tổ tiên, mong muốn tổ tiên chứng giám cho lòng thành của nhà trai, một phần cũng như lời xin phép được sang nhà làm lễ hỏi.
Mâm lễ thứ ba, mâm chè, hạt. Với người Việt Nam, khi ngồi với cốc chè, hạt sen, câu chuyện hai bên gia đình sẽ trở nên rôm rả hơn, quan hệ sẽ trở nên thân tình, gần gũi hơn.
Mâm lễ thứ tư mà nhà trai muốn trao gửi tới nhà gái đó chính là bánh cốm, bánh phu thê mâm hay còn gọi là bánh vợ chồng. Đó là những loại bánh có giai thoại đẹp về tình yêu, về sự hạnh phúc, chung thủy và hòa hợp, là món ăn bao trọn sự hài hòa của đất trời, là lễ vật quý trong ngày vui của đôi vợ chồng, một sự nhắn nhủ về cuộc sống hôn nhân sau này.
mâm sính lễ cuối cùng là mâm sính lễ hoa quả ngọt từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ tỉa hoa kết trái cho tình yêu, cũng là một lời nhắn nhủ tới hai con hãy sống thật viên mãn hạnh phúc, để lại hoa thơm quả ngọt cho đời.

Thủ tục trao và nhận lễ

Tiếp theo chương trình, xin trân trọng kính mời hai gia đình sẽ cùng bước lên phía trên này để trao và nhận sính lễ (hai gia đình chụp ảnh). 

Giới thiệu chú rể

Và ngay bây giờ, một nhân vật vô cùng đặc biệt ngày hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu đến các cụ các ông các bà, toàn thể quan viên hai họ, chàng rể ngày hôm nay, chú rể [Tên chú rể] trong một trang phục truyền thống của ngày hôm nay – áo dài cách tân. Một tràng pháo tay cho chú rể của chúng ta.

Chú rể đón cô dâu

Có lẽ bây giờ chàng rể đang nóng lòng muốn xem cô dâu của mình đang ở đâu, rất mong là bố mẹ vợ sẽ dẫn con rể lên để đón cô dâu xuống ra mắt trước các cụ các ông các bà và các vị khách quý. Xin mời. Trong thời gian chờ đợi, xin mời các cụ, các ông các bà cùng ngồi chờ đợi trong ít phút xơi nước, xơi kẹo.
Vâng và hai bạn nhân vật chính của chúng ta đã hiện diện tại đây, xin giới thiệu một lần nữa đến các cụ các ông các bà – Cô dâu [Tên cô dâu] và chú rể [Tên chú rể], hai em hãy cùng cúi chào toàn quan viên hai họ và quý vị đang có mặt trong sự kiện trọng đại hôm nay. Xin mời.
Kính thưa các cụ các ông các bà, hai bên kết nghĩa giao hòa trăm năm, nhà trai nhà gái nay cũng đã gần rồi, xin một tràng pháo tay chúc cho tình thông gia mãi đậm đà, hai nhà keo sơn như một.

Cô dâu chú rể thắp hương gia tiên

Và bây giờ cô dâu, chú rể của chúng ta sẽ có một nhiệm vụ đó là thắp hương làm lễ gia tiên, kính báo tới ông bà tổ tiên. Gia đình sẽ chọn một sinh lễ dâng lên ban thờ, nghi lễ này không chỉ là một báo cáo đến tổ tiên mà còn để ông bà tổ tiên phù hộ cho cho cô dâu chú rể được mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc.
(RÓT TRÀ) Một lời cảm ơn đến tất cả các cụ, các ông, các bà cũng như toàn thể quý quan khách ngày hôm nay đã có mặt trong lễ ăn hỏi của hai bạn, xin được mời tân chú rể và cô dâu hãy cùng rót những ly trà nồng ấm để cùng dâng lên các cụ, các ông các bà để tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới các vị khách quý. Xin mời.

Hai gia đình bàn bạc về lễ cưới

Kính thưa các cụ, các ông, các bà, sau đây đại diện nhà trai sẽ có đôi lời phát biểu để chúng ta lên kế hoạch hôn lễ cho cô dâu chú rể. Xin mời.
Kính thưa các cụ, các ông, các bà, buổi lễ ăn hỏi cũng đã dần đi đến chặng cuối. Vừa rồi, qua sự bàn bạc và thống nhất, hai bên gia đình đã quyết định chọn ngày, giờ lành ấn định buổi lễ rước dâu cũng như kế hoạch tổ chức hôn lễ của đôi bạn trẻ. Để chuẩn bị cho một buổi lễ “đầu xuôi đuôi lọt” ta rất cần sự đồng lòng của cả quan viên họ nhà trai và quan viên họ nhà gái.

Kết thúc

Và kính thưa quý vị, chương trình đại lễ ăn hỏi tại gia đình nhà gái đã diễn ra thành công tốt đẹp. Một lần nữa thay mặt cho gia đình nhà gái xin cảm ơn sự có mặt tham dự của toàn thể các cụ, các ông, các bà, các vị khách quý không quản đường xá xa xôi đã đến đây và xin trân trọng thay lời cho gia đình nhà trai kính mời toàn thể quý quan viên hai họ, cô dì chú bác, bạn bè thanh niên hãy cùng mừng đón cô dâu và chú rể trở về để tổ chức đại lễ thành hôn tại nhà trai, một lần nữa xin kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công, kính chúc cô dâu và chú rể trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê. Kính chào tạm biệt!
Trên đây, Nắmtay đã gửi đến bạn những chia sẻ liên quan đến kịch bản chương trình lễ ăn hỏi cho các cặp vợ chồng sắp cưới. Thật tốt nếu chuẩn bị kịch bản chương trình lễ ăn hỏi sớm trước ngày ấn định từ 5 - 6 tháng và bạn nên có những phương án dự phòng để buổi lễ được trơn tru hơn. Nếu bạn đang quan tâm về những mẫu bài phát biểu của nhà hai họ, hãy tham khảo thêm bài viết Top 6 mẫu bài phát biểu của nhà trai, nhà gái hay nhất của chúng mình nhé.