Lễ vu quy là gì? Phân biệt Lễ vu quy với Lễ thành hôn, Lễ tân hôn và Lễ đính hôn 
Lễ vu quy còn được gọi là lễ đưa con gái về nhà chồng, là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong ngày cưới của người Việt Nam. Ngày nay, lễ vu quy thường được các cặp cưới tổ chức cùng ngày với lễ đính hôn và lễ thành hôn (lễ tân hôn), do đó rất nhiều cô dâu chú rể thường nhầm lẫn các nghi lễ này là một. 

Tuy nhiên, mỗi nghi lễ đều có những hoạt động và ý nghĩa cực kỳ khác nhau. Cùng Nắmtay tìm hiểu lễ vu quy là gì, lễ vu quy khác gì so với những nghi lễ khác trong đám cưới và những điểm cần lưu ý trong ngày lễ vu quy dưới đây nhé. 

Lễ vu quy là gì? Ý nghĩa của Lễ vu quy? 

Lễ vu quy là buổi tiệc cưới được tổ chức tại gia đình nhà gái, do từ "vu quy" theo tiếng Hán có nghĩa là "con gái đi về nhà chồng". 
Trong buổi lễ này, gia đình nhà trai sẽ tiến hành di chuyển sang nhà gái, nơi cô dâu chú rể sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, bái lạy cha mẹ vợ để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục cô dâu nên người. 
Với ý nghĩa trên, danh từ lễ vu quy chỉ được sử dụng tại gia đình nhà gái trên toàn bộ hạng mục trang trí đám cưới như thiệp cưới, bảng hiệu, phông cưới và cổng hoa cưới.

Lễ vu quy khác gì so với các lễ đính hôn, lễ thành hôn và lễ tân hôn

Khác với lễ vu quy - nghi lễ đưa con gái về nhà chồng, lễ đính hôn mang ý nghĩa hứa gả con cái giữa hai gia đình và lễ thành hôn (lễ tân hôn) lại là cột mốc đôi bạn trẻ chính thức về chung một nhà. 
Cùng tìm hiểu chi tiết những đặc điểm của lễ đính hôn và lễ thành hôn (lễ tân hôn) để phân biệt các nghi lễ này với lễ vu quy nhé. 

Lễ đính hôn 

Lễ đính hôn (lễ ăn hỏi) là ngày mà nhà trai mang lễ vật như trầu cau, rượu thuốc, hoa quả, bánh phu thê, chè mứt và xôi gà sang hỏi cưới cô dâu. Lễ ăn hỏi mang ý nghĩa như một thông báo hứa gả con cái giữa hai bên gia đình, đồng thời cũng là dịp để cặp đôi thông báo hôn sự chính thức tới họ hàng, anh em và bạn bè hai bên.
Lễ đính hôn thường được tổ chức từ 1 tháng trước ngày cưới, tuy nhiên ngày nay nhiều cặp đôi lựa chọn gộp chung lễ ăn hỏi trong ngày cưới để tiết kiệm thời gian, công sức của gia đình cũng như của khách mời. 
Lễ đính hôn được tổ chức tại gia đình nhà gái, do đó gia đình sẽ cần dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị rạp đám hỏi và tiệc mừng để chào đón gia đình nhà trai cũng như khách khứa đôi bên. Trong khi đó, gia đình nhà trai sẽ cần chuẩn bị các tráp lễ ăn hỏi và tiến hành di chuyển sang nhà gái để thực hiện nghi lễ hỏi cưới cô dâu. 
Cùng tìm hiểu đầy đủ các tráp lễ ăn hỏi, cách chuẩn bị và nghi thức trong ngày lễ ăn hỏi tại bài viết Lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi 5, 7, 9 tráp là gì? nhé. 
Nguồn: Hà Tiến Mạnh

Lễ thành hôn 

Lễ thành hôn (lễ tân hôn), là nghi lễ chính quan trọng nhất trong phong tục cưới hỏi, trong đó cô dâu chú rể thực hiện những nghi lễ kết đôi và chính thức về chung một nhà. 
Thông thường, danh từ “lễ thành hôn” được dùng để nói về buổi tiệc cưới tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm tiệc cưới của hai bên gia đình. Khi đó, cả hai nhà có thể sử dụng từ "lễ thành hôn" trên thiệp cưới mời khách.
Tuy nhiên ngày nay, từ “lễ thành hôn” lại chỉ được các gia đình miền Bắc ưa chuộng trong tiệc cưới của gia đình nhà trai, mang ý nghĩa lễ đón dâu. Ngược lại, ở miền Nam và miền Trung, người dân lại sử dụng cụm từ “lễ tân hôn” với ý nghĩa là đám cưới mới. 
Nguồn: Hà Tiến Mạnh

Cách sử dụng tên nghi lễ cho nhà trai, nhà gái 

Trong quá trình ghi thiệp cưới và trang trí đám cưới, hai bên gia đình cần bàn bạc kỹ càng để thống nhất về cách viết tên lễ trên tất cả các hạng mục của đám cưới.
Cụ thể, đối với nhà gái, tất cả phông, cổng rạp cưới và thiệp mời đều phải ghi là “lễ vu quy”. Trong khi đó, gia đình nhà trai ở miền Bắc sẽ ghi “lễ thành hôn” còn gia đình nhà trai ở miền Trung và miền Nam sẽ ghi là “lễ tân hôn” .
Trường hợp các bạn tổ chức lễ cưới tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm tiệc cưới, hai gia đình nên thống nhất ghi chung một tên là “lễ thành hôn” trên thiệp cưới mời khách và các hạng mục trang trí đám cưới còn lại để tạo sự đồng nhất nhé.

Trình tự các nghi lễ trong lễ vu quy 

Thủ tục lễ vu quy tại nhà gái gồm: nghi thức xin dâu, dâng trầu cau cho ông bà tổ tiên, trao nhẫn cưới và nghi thức dâng trà. Cùng tìm hiểu chi tiết từng thủ tục này dưới đây nhé.

Bước 1: Hai bên gia đình thực hiện nghi thức xin dâu

Bắt đầu lễ vu quy, chủ hôn nhà gái và bố mẹ cô dâu sẽ đứng sẵn trước cửa để chờ gia đình nhà trai. Sau khi gia đình nhà trai đến, theo sau chủ hôn nhà trai là phù rể sẽ tiến vào nhà và phát biểu đôi lời cho nghi thức xin dâu. Khi được chủ hôn nhà gái chấp thuận, chủ hôn nhà trai sẽ ra bên ngoài mời toàn bộ gia đình nhà trai tiến vào.
Tiếp đó, hai bên gia đình sẽ thực hiện nghi thức trao quả, dàn bưng quả nam nữ hai bên đứng xếp hàng đối mặt nhau và trao quả. Sau đó ba mẹ và chủ hôn hai nhà bước vào trước, tiếp theo là chú rể và dàn bưng quả nam nữ, cuối cùng là khách nhà trai. Các bạn nam nữ nhận quả và sắp xếp các mâm lễ trước bàn thờ gia tiên nhà gái. 

Bước 2: Hai nhà thực hiện nghi thức uống rượu mừng

Sau khi thực hiện nghi thức xin dâu, nhà trai sẽ thưa chuyện với nhà gái về mâm lễ vật mang đến hỏi cưới cô dâu. Người phụ rể sẽ rót rượu vào chum và chủ hôn hai bên gia đình thực hiện nghi lễ uống rượu mừng cùng nhau. Tiếp đó, chủ hôn nhà trai sẽ đại diện yêu cầu được gặp cô dâu. Khi đó, mẹ cô dâu sẽ là người lên phòng và đón nàng dâu xuống ra mắt hai bên gia đình.

Bước 3: Cô dâu chú rể cúng bái gia tiên

Sau khi cô dâu đã chính thức chào hỏi hai bên gia đình, cô dâu chú rể sẽ cùng mở mâm trầu cau trên bàn thờ gia tiên. Khi đó, cô dâu sẽ là người bẻ 3 trái cau, lấy ra vài lá trầu và đưa vào đĩa nhỏ. Chú rể sẽ lấy chiếc đĩa từ tay cô dâu và đặt lên bàn thờ gia tiên
Tiếp theo đó, người phụ rể sẽ đốt 8 cây nhang, 2 cây nhang đầu đưa cho người chủ hôn, 4 cây nhang tiếp theo dành cho bố mẹ hai bên gia đình và 2 cây nhang cuối cùng sẽ dành cho cô dâu chú rể lần lượt bái lạy tổ tiên và cắm nhang lên bàn thờ. 

Bước 4: Cô dâu chú rể trao nhẫn cưới 

Sau khi hoàn thành nghi thức bái lạy tổ tiên, cặp đôi sẽ tiến hành trao cho nhau cặp nhẫn cưới - vật chứng giám cho giây phút về bên nhau của đôi bạn trẻ. Sau đó, chủ hôn hai gia đình sẽ mời hai mẹ lên tặng quà và của hồi môn cho cô dâu. 

Bước 5: Cô dâu chú rể thực hiện nghi thức dâng trà 

Kết thúc lễ vu quy, hai bên gia đình giới thiệu từng người trong gia đình, phù rể sẽ tiến hành rót trà và cô dâu chú rể sẽ lần lượt dâng trà cho hai vị chủ hôn và cho bố mẹ hai bên gia đình. Trước khi nhà trai tiến hành trở về nhà, nhà gái sẽ lấy một ít lễ vật nhà trai đem tới để lại quả, gửi lại nhà trai với ý nghĩa cảm ơn sự chu đáo, nhiệt thành của nhà trai. 
Nguồn: Jan 21st

Chuẩn bị cho lễ vu quy như thế nào?

Do là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong ngày cưới, hai gia đình cần chuẩn bị cho lễ vu quy một cách cẩn thận, chu đáo giúp cho lễ cưới được suôn sẻ, cặp đôi gặp nhiều may mắn hơn. Cùng tìm nhà trai và nhà gái dưới cần chuẩn bị gì cho lễ vu quy dưới đây nhé.

Nhà trai chuẩn bị gì cho lễ vu quy?

Để lễ vu quy diễn ra suôn sẻ, nhà trai cần chuẩn bị lễ vật xin dâu như nhẫn cưới, tráp lễ xin dâu và chuẩn bị phòng cưới. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần đầu tư vào trang phục sao cho lịch sự, trang trọng trong ngày đại hỷ. Cùng tìm hiểu chi tiết từng công việc của nhà trai cho lễ vu quy nhé. 

Chọn mua nhẫn cưới 

Theo truyền thống thì đây là việc nhà trai cần chuẩn bị, nhưng thường các chú rể sẽ chiều theo ý cô dâu của mình. Hai bạn nên tìm hiểu cụ thể chất liệu, mẫu mã và cân đối ngân sách của cặp nhẫn cưới theo phong cách và túi tiền của mình. Sau đó hãy tham khảo về các thương hiệu trang sức uy tín, chất lượng để mua sắm cặp nhẫn nhé.
Các cặp đôi nên chuẩn bị cho cặp nhẫn cưới ít nhất từ 3 - 4 tháng trước buổi lễ để xác định được ngân sách sao cho hợp lý, cũng như chọn được thời điểm có nhiều mã giảm giá trong năm. 

Trang trí phòng tân hôn 

Một phòng tân hôn ấm cúng sẽ mở ra cho các cặp đôi một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Gia đình cần chuẩn bị về cả nội thất phòng cưới và trang trí sao cho đẹp mắt.
Về nội thất phòng cưới, gia đình sẽ cần sắm sửa giường cưới, tủ quần áo, bàn trang điểm và chăn ga gối đệm mới. Bên cạnh đó, nếu gia đình có điều kiện, các bạn có thể sắm thêm đồ điện tử trong phòng như TV, điều hòa hay tủ lạnh. 
Về trang trí phòng cưới, hãy lựa chọn concept trang trí và tone màu theo concept đám cưới mà các bạn ưa thích. Một số concept trang trí phòng cưới đẹp nhất như trang trí phòng cưới lãng mạn với nến, hoa hồng, bóng bay hoặc dây đèn nháy. Cùng tham khảo các mẫu trang trí phòng cưới xu hướng để có cho mình một căn phòng tân hôn như ý nhé.
Nguồn: Phóng sự cưới Quảng Ninh - MONO vietnam

Chuẩn bị tráp xin dâu 

Theo truyền thống, hai lễ vật luôn luôn phải có chính là trầu cau và rượu, được đặt trong một tráp nhỏ màu đỏ. Ngoài hai lễ vật kể trên, gia đình nhà trai có thể chuẩn bị thêm cặp bánh để tượng trưng cho  m Dương Ngũ Hành.
Hai loại bánh thường được sử dụng trong tráp là bánh cốm - tượng trưng cho Dương, và  bánh phu thê - tượng trưng cho  m. Một số nơi lại chọn đặt bánh chưng và bánh dày với mong ước tình yêu của cặp đôi sẽ luôn tròn trịa và vuông vức. Ngoài ra, nhà trai cũng có thể chuẩn bị loại bánh đặc sản quê hương để thể hiện lòng hiếu khách với nhà gái.

Chuẩn bị trang phục cưới

Đối với trang phục lễ vu quy của chú rể, bạn có thể cân nhắc chọn vest, comple hoặc áo dài cưới truyền thống tùy theo sở thích và theo trang phục mà nàng dâu đã chọn. Cụ thể, nếu bạn ưa thích phong cách hiện đại và cô dâu lựa chọn một bộ váy cưới phương Tây, hãy lựa chọn một bộ vest hoặc comple với màu đơn giản như đen, xanh hoặc trắng nhé.
Trường hợp cô dâu lựa chọn áo dài cưới truyền thống, chú rể có thể thuê áo dài cưới đôi với cô dâu để thể hiện sự tâm đầu ý hợp giữa hai người. 
Bên cạnh trang phục của chú rể, các bạn cũng cần chuẩn bị trang phục lễ vu quy cho bố mẹ và đội bê tráp nam. Đối với bố mẹ chú rể, bác trai có thể lựa chọn một bộ vest đơn giản, lịch sự và bác gái có thể mặc áo dài truyền thống. 
Trang phục của đội bê lễ sẽ phụ thuộc vào phong cách của cô dâu chú rể. Nếu cặp đôi lựa chọn trang phục cưới hiện đại, đội bê lễ trai sẽ mặc sơ mi trắng - quần âu trang trọng. Trường hợp cặp đôi lựa chọn áo dài cưới truyền thống, trang phục phù hợp cho đội bê lễ nam sẽ là áo dài cách tân.
Nguồn: Jan 21st

Chọn người chủ hôn

Nhà trai cần chọn một người có vị thế cao và được coi trọng trong họ hàng như ông, bác hoặc chú để làm chủ hôn. Người chủ hôn cũng cần phải am hiểu nhiều về các nghi lễ của đám cưới truyền thống, cũng như khéo léo trong ứng xử để dễ dàng tiếp chuyện người chủ hôn của nhà gái. 
Nguồn: Hà Tiến Mạnh

Nhà gái chuẩn bị gì cho lễ vu quy?

Vì lễ vu quy được tổ chức tại gia đình nhà gái nên bên cạnh chuẩn bị của hồi môn, trang phục, nhẫn cưới và người chủ hôn giống nhà trai, họ nhà gái cần chuẩn bị thêm rạp đám cưới đồng thời lau dọn, trang trí bàn thờ gia tiên để cô dâu chú rể tiến hành làm lễ. Cùng tìm hiểu chi tiết những công việc gia đình nhà gái cần chuẩn bị cho lễ vu quy nhé. 

Chuẩn bị của hồi môn 

Của hồi môn chính là tấm lòng của bố mẹ khi tiễn con gái yêu quý của mình về nhà chồng. Tuỳ vào điều kiện của từng gia đình mà số lượng của hồi môn của cô dâu sẽ khác nhau. 
Với những gia đình giàu có, của hồi môn của cô dâu có thể sẽ là một số tiền mặt lớn, hoặc tài sản giá trị như căn nhà, mảnh đất. Còn với những gia đình điều kiện có hạn, bố mẹ vẫn sẽ cố gắng sắm cho con gái ít nhất một bộ trang sức làm của hồi môn. 

Chuẩn bị trang phục cưới

Đối với cô dâu, các bạn có thể lựa chọn trang phục vu quy là váy cưới hoặc áo dài cưới theo phong cách mà mình ưa thích. Nếu ưa thích sự hiện đại, hãy tham khảo những mẫu váy cưới mới mẻ như đuôi cá, trễ vai hay váy cưới công chúa nhé. Trường hợp bạn ưa thích một lễ cưới truyền thống, đừng ngần lại lựa cho mình một chiếc áo dài cưới thanh thoát.
Các nàng có thể lựa chọn thuê, mua hoặc may riêng váy cưới dựa theo ngân sách đám cưới. Trong đó, thuê váy cưới thường tiết kiệm nhất (1 - 2 triệu đồng/chiếc), mua váy cưới may sẵn có chi phí cao hơn (từ 3 - 5 triệu đồng/chiếc) và may váy theo sở thích có chi phí cao nhất (từ 5 - 10 triệu đồng).
Ngoài trang phục cô dâu, bạn cũng nên chuẩn bị trang phục cho bố mẹ và đội nhận tráp nữ. Đối với trang phục của bố mẹ, nàng có thể thuê trực tiếp tại studio thuê váy cưới hoặc mua mới lễ phục cho các bác (từ 1 - 2 triệu đồng/bộ). Đối với trang phục đội bê lễ, hãy thuê tại chính studio bạn may hoặc thuê váy cưới để tiết kiệm chi phí nhé.
Nguồn: Jan 21st

Chọn người chủ hôn

Người chủ hôn đại diện cho nhà gái thường được lựa chọn bởi cha mẹ của cô dâu. Đây là người có mối quan hệ thân thiết với gia đình, thường là anh em, cô bác trong nhà có vai vế lớn. Bên cạnh đó, người chủ hôn cần phải có khiếu ăn nói và tự tin phát biểu trước đông người. 
Cô dâu cần thông tin cho phụ huynh biết về vai vế và tuổi tác của chủ hôn bên nhà trai để nhà gái chọn được chủ hôn tương xứng. Cô dâu cũng sẽ là người cần hỗ trợ việc gặp gỡ giữa hai vị để cùng bàn bạc, lên kịch bản cho buổi lễ và soạn lời phát biểu. 
Nguồn: Hà Tiến Mạnh

Lau dọn bàn thờ ông bà, tổ tiên 

Bàn thờ gia tiên làm lễ vu quy là bàn thờ vọng, thường được bố trí tại phòng khách hoặc tầng trệt của nhà gái. Trong khi đó, bàn thờ ông bà tổ tiên lại là phòng thờ riêng, nơi gia đình thờ cúng hàng ngày. Nhà gái cần lau dọn và trang trí cả hai bàn thờ sao cho thật trang hoàng trong ngày lễ vu quy.
Đối với bàn thờ ông bà tổ tiên, gia đình sẽ cần lau chùi, quét bụi, quét mạng nhện cẩn thận và bày lễ vật ngày cưới như bát hương, nhang, đèn và trái cây, hoa tươi. Còn đối với bàn thờ gia tiên, hãy kê một bàn thờ mới tại phòng khách, trang trí phông cưới, chữ Song Hỷ và các lễ vật như câu đối đỏ, đèn nến, bình hoa chưng và mâm ngũ quả để tiện thực hiện các nghi thức của buổi lễ. 

Thuê đội bưng tráp nữ

Sẽ thật thuận tiện nếu cô dâu nhờ được chị em, bạn bè thân thiết đến bưng tráp quả cho mình. Khi đó, tất cả những gì cô dâu cần lo chính là thuê trang phục áo dài bê tráp cho họ. Nhưng nếu không thể tìm đủ người bê tráp, các bạn hoàn toàn có thể thuê đội bưng tráp quả tương ứng với đội bưng tráp bên nhà trai với giá từ 200,000 - 300,000 đồng/người. 

Viết kịch bản và lời phát biểu 

Trong lễ vu quy, vị chủ hôn thường chịu trách nhiệm chính để tiếp chuyện, đáp lời với bên nhà trai. Tuy nhiên, nhà gái cũng vẫn phải có người đại diện nói đôi câu trước quan viên hai họ, và trọng trách này thường sẽ được bố cô dâu đảm nhiệm. 
Để phần phát biểu của bố cô dâu diễn ra suôn sẻ, cô dâu nên cùng bố lên kịch bản và soạn lời phát biểu. Một lời khuyên từ Nắmtay chính là các cô dâu nên chuẩn bị việc này khoảng 1 - 2 tuần trước buổi lễ vu quy để có thể đọc lại nhiều lần cho trôi chảy và tự tin hơn nhé. 

Chuẩn bị lì xì cho đội bưng tráp 

Theo quan niệm của người xưa, những người đi bưng tráp thường được gọi là “bán duyên”, nghĩa là bị “mất duyên”. Do đó, để giúp đội bưng quả “giữ duyên” cũng như gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của họ, các cặp đôi nên chuẩn bị phong bì lì xì cho đội bưng tráp.
Số tiền cho mỗi lì xì thường dao động từ 50,000 - 200,000 đồng, các bạn hãy trao đổi và thống nhất với nhà trai để lựa chọn mức lì xì chung theo tài chính của hai gia đình nhé.

Chuẩn bị rạp đám cưới

Chuẩn bị dựng rạp đám cưới là một phần việc khá quan trọng mà nhà gái cần chuẩn bị sớm, khoảng 1 - 2 tháng trước lễ vu quy. 
Gia đình cô dâu nên chọn mẫu rạp phù hợp với không gian định tổ chức. Nếu nhà gái có không gian rộng rãi thì cô dâu có thể chọn rạp đám cưới kích cỡ lớn, cũng như trang trí đa dạng hơn với hoa tươi, backdrop lớn. 
Trường hợp nhà gái có diện tích hạn chế, các cô dâu nên chọn rạp có kích cỡ vừa phải, kết hợp với các tone màu sáng trung tính. Việc chọn các tone màu này, kết hợp với các phụ kiện trang trí nhỏ xinh sẽ tạo chiều sâu và cảm giác ấm cúng cho không gian.
Nguồn: Jan 21st
Hi vọng những chia sẻ vừa rồi của Nắmtay sẽ giúp các cô dâu bớt bỡ ngỡ trong quá trình chuẩn bị cho lễ vu quy. Các chú rể nên cùng tìm hiểu và chuẩn bị trong ngày trọng đại này để giảm áp lực cho cô dâu. Nếu các bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về kinh nghiệm tổ chức đám cưới, hãy nhấn đọc bài viết khác của Nắm Tay tại đây nhé. 

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!