Kinh nghiệm tổ chức đám cưới từ A - Z. Cách tổ chức đám cưới mùa dịch
Đám cưới là một trong những sự kiện lớn nhất mà hầu hết ai cũng phải trải qua, là dấu dốc chuyển mình từ cuộc sống độc thân đến cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tại Việt Nam, phong tục cưới hỏi lại quan trọng hơn bao giờ hết với nhiều nghi lễ, truyền thống đa dạng và phong phú. Do đó, rất nhiều cô dâu chú rể còn bỡ ngỡ trong quá trình tổ chức đám cưới của mình. 

Trong bài viết dưới đây, cùng Nắmtay tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức đám cưới đầy đủ và cách để tổ chức đám cưới trong mùa dịch bệnh khó khăn nhé. 

Đám cưới gồm những nghi lễ nào?

 Đám cưới Việt Nam truyền thống bao gồm 4 lễ chính theo thứ tự: Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi, Lễ cưới và Lễ lại mặt.
Trong đó, lễ dạm ngõ mang ý nghĩa mở đầu cuộc hôn nhân, lễ ăn hỏi mang ý nghĩa gả cưới giữa hai gia đình, lễ cưới chính thức hóa hôn nhân và lễ lại mặt có ý nghĩa biết ơn gia đình cô dâu. Cùng tìm hiểu về thời gian, địa điểm và nghi thức cụ thể của từng nghi lễ hôn nhân dưới đây.

Lễ dạm ngõ: 3 tháng trước đám cưới

Lễ dạm ngõ ở miền Bắc (lễ đi nói ở miền Trung hoặc lễ bỏ rượu ở miền Nam) là buổi gặp mặt tại nhà gái để nhà trai đặt vấn đề hôn nhân cho cặp đôi, đồng thời tìm hiểu về gia phong của đôi bên.
Người tham gia lễ dạm ngõ khoảng 5 - 7 người mỗi bên gia đình, bao gồm bố mẹ, ông bà chú bác thân thiết và cô dâu chú rể. Nghi lễ và trang phục tham gia lễ dạm ngõ rất thoải mái, đơn giản, không cần quá khuôn mẫu theo truyền thống xưa.
Cùng tìm hiểu chi tiết về nghi lễ, hoạt động của lễ dạm ngõ trong bài viết Lễ dạm ngõ là gì? Thủ tục lễ dạm ngõ gồm những gì? nhé. 

Lễ ăn hỏi: 1 tháng trước đám cưới

Lễ ăn hỏi (Lễ đính hôn) là ngày nhà trai mang sính lễ sang hỏi cưới nhà gái, thường được tổ chức từ 1 - 2 tháng trước ngày cưới, tuy nhiên ngày nay nhiều cô dâu chú rể lựa chọn gộp chung lễ ăn hỏi vào lễ cưới để tiết kiệm ngân sách và công sức của gia đình.
Người tham gia lễ ăn hỏi dao động khoảng 60 - 100 người gồm anh em, bạn bè, hàng xóm thân thiết của hỏi bên gia đình. Nghi lễ của lễ ăn hỏi khuôn mẫu hơn lễ dạm ngõ, trang phục thường là áo dài truyền thống.
Trước đám hỏi, nhà gái cần dọn dẹp nhà cửa, dựng rạp và chuẩn bị tiệc đám hỏi trong khi nhà trai cần chuẩn bị tráp ăn hỏi (mâm quả) theo số lượng đã bàn bạc với nhà gái gồm tráp trầu cau, tráp rượu thuốc, tráp chè mứt, tráp bánh phu thê, tráp hoa quả và lễ đen.
Cùng tìm hiểu chi tiết về lễ ăn hỏi tại Lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi 5, 7, 9 tráp lễ là gì? để biết thêm thông tin cho một lễ ăn hỏi chỉn chu hơn nhé. 

Lễ cưới

Lễ cưới là ngày chú rể sang nhà gái xin dâu và đón dâu về nhà trai, từ giây phút thành hôn hai người sẽ chính thức trở thành vợ chồng.
Người tham gia lễ cưới dao động từ 200 - 500 người, bao gồm anh em, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm của hai bên gia đình. Nghi lễ của lễ cưới khá cầu kỳ và phức tạp, bao gồm lễ vu quy ở nhà gái và lễ đón dâu ở nhà trai. Mỗi nghi lễ trên lại bao gồm nhiều nghi lễ nhỏ khác nhau như lễ nhập gia, lễ gia tiên hay lễ dâng trà.
Trang phục đám cưới vô cùng trang trọng và lộng lẫy: cô dâu mặc váy cưới, chú rể mặc vest và người tham gia mặc đồ dạ hội lộng lẫy. Trước ngày cưới, hai bên gia đình cần bàn bạc và phân chia các đầu mục công việc và chi phí tổ chức đám cưới.
Cùng tìm hiểu chi tiết lễ cưới tại bài viết Thủ tục cưới hỏi từ A-Z ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhé.

Lễ lại mặt: 2 - 4 ngày sau đám cưới

Lễ lại mặt là ngày mà đôi tân lang tân nương về lại nhà gái ra mắt và dùng bữa cơm thân mật để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng gia đình nhà vợ. Người tham gia lễ lại mặt dao động từ 5 - 10 người bao gồm cô dâu chú rể, bố mẹ vợ và anh em, cô chú bác thân thiết với gia đình.  
Trước lễ lại mặt, cô dâu chú rể cần chuẩn bị lễ vật lại mặt truyền thống như trầu cau, rượu chè, xôi thịt hoặc hiện đại như bánh kẹo, hoa quả để thắp hương gia tiên và nhà gái cần chuẩn bị tiệc mặc để đón hai con về thăm gia đình. 

Kinh nghiệm tổ chức đám cưới từ A-Z

Để có một lễ cưới hoàn hảo như mơ, cặp đôi cần chuẩn bị từ 6 tháng đến 1 năm trước khi cưới, bao gồm cả việc chuẩn bị cho ngày cưới và chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân sau này. Cùng tìm hiểu chi tiết từng bước để có một lễ cưới hoàn hảo dưới đây nhé. 

1 năm trước lễ cưới

Một năm trước ngày cưới là khoảng thời gian để cô dâu chú rể có thể chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân dài hạn sau này. Hai công việc các bạn cần làm đầu tiên là khám sức khỏe tiền hôn nhân và sửa sang, xây hoặc mua nhà nếu cần thiết do đây là những công việc yêu cầu nhiều thời gian của cặp đôi. Cùng tìm hiểu chi tiết hai công việc trên dưới đây nhé.
1. Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là đánh giá sức khỏe tổng quátsức khỏe sinh sản cho các cặp đôi, với mục đích bước vào cuộc sống hôn nhân với một sức khỏe toàn diện và em bé ra đời một cách khỏe mạnh.
Thông thường có hai gói khám sức khỏe tiền hôn nhân với gói thứ nhất là khám tổng quát bao gồm tổng quan sức khỏe, tiền sử bệnh, bệnh lây qua đường tình dục hoặc bệnh truyền nhiễm nếu có. Gói khám số hai là gói khám sức khỏe sinh sản cho cả cô dâu và chú rể. 
Giá một gói khám sức khỏe tiền hôn nhân thường dao động từ 2 - 3 triệu đồng/người, cặp đôi nên đặt lịch khám ít nhất từ 3 - 6 tháng trước đám cưới, tốt nhất là trước ngày cưới 1 năm. Đồng thời nên lựa chọn các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa uy tín tại địa phương để được hỗ trợ một cách tốt nhất nhé. 
2. Sửa sang nhà cửa
Do đám cưới là một dịp quan trọng của cả hai bên gia đình, hai nhà có thể cần sửa sang lại những phần ngôi nhà đã hỏng hóc, xập xệ như xây cổng, phòng tân hôn hoặc sơn lại nhà. Bên cạnh đó, hai gia đình còn cần sắm sửa đồ dùng cho phòng cưới hoặc sắm sửa cho nhà mới tùy theo sự lựa chọn về nơi ở của cô dâu chú rể.
Cụ thể, nếu cô dâu chú rể lựa chọn ở chung với nhà bố mẹ chồng, nhà trai sẽ cần sắm sửa phòng cưới một cách trang hoàng, đầy đủ tiện nghi như giường cưới, bàn trang điểm cô dâu, tủ quần áo, chăn ga gối đệm, đồ dùng nhà tắm và những đồ điện tử cần thiết như TV hay điều hoà.
Trường hợp cặp đôi xác định ra ở riêng, nhà trai sẽ chỉ cần sắm phòng cưới những vật dụng cơ bản như giường, tủ quần áo, bàn trang điểm và chăn ga gối đệm cưới. Bên cạnh đó, cặp đôi sẽ cần chuẩn bị kinh tế để mua nhà, sửa sang và trang trí nội thất sao cho sau hôn lễ các bạn sẽ có một mái nhà để chung sống. 

6 tháng trước lễ cưới

Sáu tháng trước lễ cưới là khoảng thời gian hoàn hảo để cặp đôi lên ý tưởng và kế hoạch cho lễ cưới của mình bao gồm dự trù kinh phí, chọn ngày giờ, lên concept, danh sách khách mời và lựa chọn địa điểm cưới. Cùng Nắmtay tìm hiểu chi tiết từng bước dưới đây nhé.
3. Dự trù kinh phí
Việc dự trù kinh phí trước tiên sẽ giúp hai bên gia đình ước lượng ngân sách có thể chi cho đám cưới, từ đó sẽ giúp quá trình lựa chọn concept lễ cưới, danh sách khách mời và các hạng mục khác được thực tế hơn.
Thông thường, một lễ cưới thường có ngân sách từ 150 - 600 triệu đồng, dao động theo số lượng khách mời và concept tổ chức mà cặp đôi lựa chọn. Cùng tìm hiểu chi tiết chi phí cho lễ cưới của bạn tại Chi phí đám cưới gồm những gì? Cách tiết kiệm chi phí đám cưới nhé.
Trong quá trình lên ngân sách cho đám cưới, hai bên gia đình cần họp mặt để quyết định những khoản mục tiền tổ chức cho lễ cưới đồng thời phân chia cô dâu chú rể chi khoản nào và hai bên gia đình sẽ hỗ trợ những khoản nào. 
Bên cạnh đó, cặp đôi còn cần lập bảng giấy hoặc bảng excel trên máy tính để theo dõi tiến độ chi tiêu đồng thời tiến độ công việc của lễ cưới. Đây là cách vừa giúp tránh thiếu sót các công việc chuẩn bị đám cưới lại kiểm soát các khoản tiền tốt hơn. 
4.Chọn ngày giờ quan trọng cho dạm ngõ, ăn hỏi và ngày cưới 
Việc chọn ngày giờ cho lễ cưới nên được quyết định sau khi gia đình đã chuẩn bị xong về mặt kinh phí. Hai nhà sẽ cần xem ngày giờ đẹp cho các lễ theo lịch âm, hãy lựa chọn những ngày đẹp và hợp tuổi, hợp mệnh cô dâu chú rể, tránh những năm cô dâu phạm tuổi Kim Lâu, những ngày có sao Cô thần, Quả Tú, Không Phòng và tháng 7 âm lịch.
Nếu hai bên gia đình lựa chọn cưới vào mùa cưới như mùa xuân sau Tết âm lịch hoặc mùa thu từ tháng 9 đến tháng 12, hai nhà sẽ cần khẩn trương chuẩn bị và đặt các nhà cung cấp dịch vụ lễ cưới vì sẽ rất nhanh hết chỗ. 
Trường hợp gia đình cưới vào những mùa còn lại, các bạn có thể dư giả thời gian hơn tuy nhiên vẫn không nên quá lơ là để có một ngày lễ cưới hoàn hảo nhất nhé. 
5. Lên concept đám cưới
Việc lên concept đám cưới yêu cầu cặp đôi lên ý tưởng về phong cách chính của ngày lễ. Các bạn cần bàn bạc kỹ lưỡng về sở thích của hai người, những kỷ niệm tình yêu trong quá khứ và tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân để quyết định chủ đề cho bữa tiệc cưới của mình. 
Việc lựa chọn chủ đề đám cưới sẽ cần cặp đôi cân nhắc về ngân sách đám cưới và địa điểm tổ chức tiệc cưới. Cụ thể, với mức ngân sách thấp từ 100 - 150 triệu đồng, cặp đôi có thể lựa chọn những concept cưới truyền thống, sang trọng hoặc mộng mơ tại nhà.
Với ngân sách cao hơn từ 200 - 400 triệu đồng, các bạn có thể lựa chọn những phong cách đám cưới sang trọng, quý phái hơn tại nhà hàng khách sạn hoặc những phong cách thiên nhiên, vintage của lễ cưới ngoài trời.
Với mức chi phí cao từ 500 - 600 triệu đồng, cặp đôi có thể lựa chọn bất cứ concept đám cưới nào mà bạn ưa thích, kể cả là đám cưới trăng mật Destination Wedding trong mơ. 
6. Lên danh sách khách mời
Cặp đôi nên dành riêng một ngày để bàn bạc và lên danh sách khách mời của lễ cưới. Khi lên danh sách khách mời, các bạn cần dựa trên các mối quan hệ thường ngày của hai người và mối quan hệ của bố mẹ hai bên để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót. Hãy liệt kê từng đối tượng một theo thứ tự dưới đây:
Bên cạnh tự liệt kê cho mình, cô dâu chú rể cần đưa danh sách này cho bố mẹ để liệt kê y hệt để tránh bỏ sót khách mời nhé. Sau đó, hãy lập một bảng gồm 6 cột bao gồm, số thứ tự, tên, mối quan hệ, cách thức liên lạc, số người tham gia và số tiền mừng. Từ đây bạn có thể tránh việc thừa thiếu khách đồng thời sử dụng để chuẩn bị thiệp cưới và gửi thiệp sau này nhé.
7. Lựa chọn địa điểm cưới
Cặp đôi nên lựa chọn địa điểm cưới dựa vào hai yếu tố chính: phong cách và số lượng khách mời của lễ cưới. Chẳng hạn, nếu bạn muốn tổ chức lễ cưới sang trọng tại trung tâm tiệc cưới với 500 khách, hãy chắt lọc những địa điểm khách sạn, nhà hàng hoặc trung tâm tiệc cưới có sức chứa trên 500 khách.
Từ đó, hãy so sánh và cân đối giữa các lựa chọn bạn chắt lọc được về các dịch vụ như bầu không khí, không gian, âm thanh ánh sáng, dịch vụ trang trí và dịch vụ tiệc cưới theo sở thích và ngân sách của các bạn.

4 tháng trước đám cưới

Bốn tháng trước đám cưới là khoảng thời gian hoàn hảo để cặp đôi dần biến những ý tưởng của lễ cưới thành hình, thành dạng hơn bằng việc chụp bộ ảnh cưới, lựa chọn trang phục ngày cưới, trang sức cưới và đặt tiệc cho đám cưới. Cùng tìm hiểu chi tiết các công việc trên dưới đây nhé. 

8. Chụp ảnh, quay phim cưới

Để có một bộ ảnh cưới ưng ý, cặp đôi cần lên ý tưởng về concept bộ ảnh, địa điểm chụp ảnh theo mức ngân sách đã lên kế hoạch.
Cụ thể, về concept ảnh cưới, cô dâu chú rể nên chụp ảnh cưới theo concept phù hợp với concept đám cưới, sở thích của cả hai và kỷ niệm tình yêu khó quên. Một số concept ảnh cưới xu hướng hiện nay các bạn có thể tham khảo là phong cách lãng mạn Hàn Quốc, phong cách truyền thống, phong cách freestyle hoặc phong cách Châu  u. 
Về địa điểm, có hai địa điểm chụp ảnh cưới chính là trong studio hoặc ngoài trời. Trong đó, chụp ảnh cưới tại studio có chi phí rẻ hơn, từ 5 - 7 triệu đồng nhưng chỉ giới hạn về diện tích và một số phong cách nhất định.
Chụp ảnh cưới ngoài trời có chi phí cao hơn, từ 8 - 15 triệu đồng, đối với những địa điểm du lịch xa như Đà Lạt, Sa Pa hay Phú Quốc sẽ tốn thêm từ 2 - 10 triệu đồng/bộ  nhưng sẽ giúp phong cách bộ ảnh cưới chân thật, độc đáo hơn. 
9. Lựa chọn trang phục cưới
Cặp đôi cần lựa chọn trang phục cưới của cả cô dâu và chú rể. Với tiêu chí là trang phục của mỗi người cần đồng nhất với phong cách đám cưới và hoà hợp với người còn lại để cô dâu chú rể trông ăn ý nhất trong ngày trọng đại.
Đối với trang phục của nàng dâu, bạn sẽ cần từ 2 - 4 bộ váy cưới bao gồm một bộ áo dài cưới ngày ăn hỏi, một chiếc váy cưới nhẹ nhàng chào khách ở đầu buổi lễ, một chiếc váy cưới lộng lẫy để tiến vào lễ đường và một bộ váy đi bàn nhẹ nhàng để tiếp khách mời.
Khi lựa chọn váy cưới, cô dâu cần cân nhắc về ngân sách trang phục cưới để quyết định thuê, mua sẵn hay may váy cưới. Trong đó giá thuê váy cưới rẻ nhất (từ 1 - 2 triệu đồng/chiếc), giá mua váy cưới cao hơn (từ 2 - 5 triệu đồng/chiếc) và đắt nhất là may váy cưới (từ 5 - 50 triệu đồng). Hãy thử nhiều dáng váy, màu sắc và hoạ tiết nhất có thể để tìm ra chiếc váy cưới chân ái của mình nhé.
Đối với trang phục cưới của chú rể, bạn cũng cần từ 2 - 3 bộ trong ngày cưới, bao gồm một bộ áo dài cưới hoặc vest ngày ăn hỏi, một bộ comple trang trọng để làm lễ cưới và một bộ vest đơn giản để tiếp khách mời. 
Chú rể cũng nên dựa vào ngân sách đám cưới để quyết định thuê, mua sẵn hay may trang phục cưới. Trong đó giá thuê một bộ vest hoặc áo dài cưới thường khá rẻ (từ 500,000 - 2 triệu đồng), mua vest có sẵn sẽ có giá cao hơn (từ 2 - 4 triệu đồng/bộ) và đắt nhất là vest may riêng với giá từ 5 - 20 triệu đồng/bộ. 
Chú rể nên lựa chọn trang phục cưới của mình sao cho vừa mặc một cách thoải mái, tự tin mà lại vô cùng hoà hợp với cô dâu về hoạ tiết, màu sắc và thiết kế để khẳng định các bạn là một cặp tâm đầu ý hợp nhé. 
10. Mua trang sức cưới và các phụ kiện cô dâu khác
Một bộ trang sức cưới đầy đủ bao gồm nhẫn cưới, dây chuyền cô dâu hoặc kiềng, vòng tay và hoa tai. Chi phí cho bộ trang sức cưới từ 10 - 80 triệu đồng, cặp đôi nên cân nhắc về ngân sách đám cưới của mình để chọn bộ trang sức cưới phù hợp. 
Cụ thể, nếu cặp đôi có chi phí trang sức cưới dưới 10 triệu, trang sức bạc là sự lựa chọn đúng đắn. Đối với cô dâu chú rể chi phí trang sức cưới từ 20 triệu đồng, hãy tham khảo những mẫu trang sức cưới bằng vàng hoặc bạch kim trong khi từ 30 triệu trở lên hãy cân nhắc một bộ trang sức cưới ngọc trai nhé.
Nếu gia đình không có kinh phí mua trang sức cưới và không xem trọng của hồi môn, các bạn có thể thuê trang sức cưới với chi phí khá hợp lý, chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/bộ trang sức.
Ngoài trang sức cưới, cô dâu còn cần chuẩn bị những phụ kiện không thể thiếu trong ngày trọng đại như phụ kiện tóc, tùng váy cưới, đồ nội y cưới, giày cao gót, hoa cưới, găng tay cô dâu, trang sức cưới và túi cứu hộ khẩn cấp. 
11. Đặt cỗ/tiệc cưới
Khi đặt tiệc cưới, hãy cân nhắc về địa điểm cưới của mình để đặt dịch vụ tiệc cưới sao cho phù hợp. Cụ thể, nếu các bạn lựa chọn tổ chức đám cưới tại nhà, bạn có thể đặt riêng dịch vụ tiệc cưới riêng biệt. 
Trường hợp cô dâu chú rể tổ chức tại các nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm tiệc cưới, hãy đặt tiệc tại nơi bạn tổ chức để tiết kiệm chi phí đám cưới nhé.
Trong quá trình lựa chọn các món ăn, hãy nhờ nhiều người trong gia đình ở đa dạng lứa tuổi như anh, chị em và bố mẹ hai bên đi thử thực đơn cưới. Khi đó, họ có thể góp ý cho bạn những món nào hợp khẩu vị nhiều người nhất.
Bên cạnh việc thử thực đơn, cô dâu chú rể nên cân nhắc về các dịch vụ của nhà hàng như phục vụ, các món chay hay chi phí đổi món gấp. Đồng thời, hai bạn cũng nên cân đối chi phí với thực đơn như: giá đã bao gồm chi phí nước hay chưa, nếu chưa thì chi phí nước uống là bao nhiêu. 
Khi đặt cỗ cưới, hãy đặt cỗ ít hơn lượng khách mời từ 2 - 3 mâm đề phòng trường hợp thừa cỗ gây lãng phí nhé. Trong trường hợp thiếu cỗ, bạn có thể đặt gấp bên khách sạn và dịch vụ tiệc cưới vì họ luôn chuẩn bị thừa từ 3 - 5 mâm cỗ cho mỗi đám cưới.

3 tháng trước đám cưới

Ba tháng trước đám cưới là thời gian hoàn hảo để cặp đôi chuẩn bị tráp lễ ăn hỏi, thiệp cưới và xây dựng những hạng mục trang trí đám cưới. Do đây là những hoạt động yêu cầu khá nhiều bước từ lên ý tưởng, tham khảo, lựa chọn bên cung cấp và giám sát tiến độ công việc. Cùng tìm hiểu chi tiết cách chuẩn bị những hoạt động trên dưới đây nhé. 
12. Chuẩn bị tráp lễ ăn hỏi (mâm quả)
Tráp ăn hỏi là lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ ăn hỏi, được nhà trai chuẩn bị và mang sang nhà gái với ý nghĩa hỏi cưới cô dâu và cảm ơn gia đình nhà gái. Nhà trai nên dựa vào số lượng tráp và các lễ vật đã bàn bạc trong ngày dạm ngõ để chuẩn bị sao cho chu đáo
Bên cạnh tráp ăn hỏi, gia đình cũng cần chuẩn bị một khoản tiền để dâng lên tổ tiên nhà gái đi kèm với các tráp lễ gọi là lễ đen. Số tiền lễ đen thường dao động từ 1 - 10 triệu đồng tùy theo sự thống nhất giữa hai gia đình trong ngày dạm ngõ.
13. Chuẩn bị thiệp cưới 
Việc chuẩn bị thiệp cưới bao gồm lên ý tưởng, thiết kế và in thiệp cưới. Về công đoạn lên ý tưởng, cặp đôi có thể lựa chọn phong cách thiệp cưới theo phong cách đám cưới mà các bạn đã lựa chọn. 
Ví dụ, một mẫu thiệp trơn sẽ phù hợp cho đám cưới tối giản, thiệp đỏ gấp cho đám cưới truyền thống và thiệp gắn hoa lá cho đám cưới rustic và thiệp nâu cho đám cưới vintage. 
Về thiết kế thiệp, hãy đảm bảo bên thiết kế chỉn chu về mặt thẩm mỹ và cả về mặt thông tin thiệp cưới. Chẳng hạn về thẩm mỹ, cặp đôi nên kiểm tra và tham khảo kỹ càng về cách trang trí, màu sắc và phụ kiện sao cho hài hoà. 
Về thông tin thiệp, các bạn cần kiểm tra kỹ càng về thông tin cần thiết của cô dâu chú rể, thông tin gia đình và thông tin lễ cưới. Bên cạnh đó cũng cần xem các lỗi chính tả, cách sắp xếp sao cho hợp lý và thuận tiện nhất.
Trong quá trình in thiệp cưới, hãy đảm bảo bạn lựa chọn nhà in uy tín, chất lượng cao và kiểm tra kỹ càng về chất lượng giấy, chất lượng in màu, in chữ, cắt thiệp và số lượng thiệp trước khi thanh toán toàn bộ chi phí.
Một cách dễ dàng giúp các bạn nhẹ nhàng trong công đoạn chuẩn bị thiệp cưới là thiệp cưới online, vừa giúp cặp đôi tiết kiệm từ 3 - 5 triệu tiền in thiệp cưới lại đỡ mất công sức từ 3 tháng chuẩn bị cho bộ thiệp. 
Đặc biệt với thiệp cưới online Nắmtay, bạn có thể lựa chọn mẫu thiệp cưới có sẵn đa dạng theo phong cách đám cưới của bạn, dễ dàng sử dụng cho cả người không biết thiết kế, miễn phí toàn bộ chi phí thiết kế và công dụng vượt xa một tấm thiệp cưới thông thường. Cùng Nắmtay tạo ngay bộ thiệp cưới online của bạn tại đây nhé. 
14. Lựa chọn hạng mục và dịch vụ trang trí đám cưới
Bên cạnh việc lên ý tưởng phong cách của đám cưới, cặp đôi cần cụ thể hóa từng hạng mục sao cho lễ cưới của bạn lung linh nhất có thể. Những khung cảnh cần trang trí trong đám cưới gồm rạp cưới, sân khấu, cổng đám cưới, bàn khách mời và gia tiên. 
Khi đã quyết định được phong cách đám cưới, cô dâu có thể tham khảo những đám cưới trước đó có phong cách tương tự hoặc các trang chuyên về hình ảnh như Instagram hoặc Pinterest để tìm thêm ý tưởng hiện thực hoá lễ cưới của bạn. Sau đó hãy lưu những hình ảnh về cách trang trí từng hạng mục bạn yêu thích để tiện trang trí và bàn bạc với bên dịch vụ sau này.
Bên cạnh tìm hiểu cách trang trí những hạng mục của đám cưới, cặp đôi còn cần lựa chọn bên trang trí lễ cưới để họ biến những ý tưởng của bạn thành hiện thực. Trường hợp cặp đôi tổ chức lễ cưới tại nhà, bạn có thể thuê bên chuyên trang trí lễ cưới. Còn nếu bạn tổ chức lễ cưới tại nhà hàng hoặc khách sạn, hãy thuê chính nhà hàng hoặc khách sạn đó trang trí để tiết kiệm chi phí nhé
Khi lựa chọn bên dịch vụ trang trí đám cưới, hãy tham khảo những lễ cưới họ từng tổ chức, gói dịch vụ, chi phí và các hạng mục mà họ cung cấp có đúng với sở thích và túi tiền của các bạn hay không.
Bạn cũng có thể trình bày ý tưởng cưới của mình với họ để tham khảo ý kiến của bên dịch vụ đồng thời xem họ có thể đáp ứng yêu cầu của bạn không nhé. 

2 tháng trước đám cưới

Hai tháng trước đám cưới là khoảng thời gian để cặp đôi thực hiện tất cả những hoạt động còn bỏ dở và những hoạt động phụ khác góp phần không nhỏ trong lễ cưới như lựa chọn phù dâu, phù rể, gửi thiệp cưới, đặt lịch makeup cô dâu, lên kịch bản và chuẩn bị cho trăng mật. Cùng tìm hiểu chi tiết cách chuẩn bị các nhiệm vụ trên dưới đây nhé.
15. Lựa chọn phù dâu phù rể và đội bê lễ, đỡ lễ
Phù dâu/phù rể là những người luôn xuất hiện cùng cặp đôi trong suốt các nghi thức của lễ cưới đồng thời là người sắp xếp, lo toan cho cô dâu chú rể trong quá trình lễ cưới diễn ra. Một đám cưới thông thường sẽ có 1 phù dâu và 1 phù rể, khang trang hơn có thể là 3, 5 hoặc 7 người mỗi bên. 
Khi chọn phù dâu/phù rể, cặp đôi không nhất thiết phải lựa chọn những người chưa lập gia đình, hãy chọn những người thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ hai bạn trong ngày cưới như anh em, bạn bè.
Bên cạnh phù dâu/phù rể, cặp đôi cũng cần lựa chọn đội bê lễ, đỡ lễ để giúp bê tráp lễ (mâm quả) trong ngày lễ ăn hỏi. Số lượng mỗi bên sẽ tương ứng với số tráp lễ mà hai gia đình đã thống nhất. Khác với đội phù dâu/phù rể, cặp đôi sẽ cần lựa chọn đội tráp lễ là những nam thanh nữ tú chưa kết hôn để thể hiện sự trao duyên giữa hai nhà. 
Cặp đôi có thể nhờ anh em, bạn bè hoặc đồng nghiệp bê tráp giúp mình tuy nhiên nếu không thể nhờ được, bạn cũng hoàn toàn thuê dịch vụ bê tráp với chi phí khá hợp lý, từ 200,000 - 300,000 đồng/người tại các bên cung cấp tráp lễ nhé. 
16. Gửi thiệp mời cưới
Khi gửi thiệp mời, cặp đôi nên dựa vào địa điểm của khách mời và mối quan hệ để lựa chọn phương thức gửi thiệp và dạng thiệp cưới phù hợp
Cụ thể, nếu khách mời ở cùng thành phố hoặc là những người thân thiết với bạn, hãy gặp mặt trực tiếp và trao tận tay tấm thiệp cưới để thể hiện sự trang trọng của đám cưới nhé. 
Nếu khách mời là người quen của bố mẹ bạn, bạn có thể để bố mẹ đi mời trực tiếp và trao thiệp cho họ.
Trường hợp khách mời ở xa hoặc những người không quá thân thiết, cặp đôi có thể gửi thiệp cưới online tới họ thông qua tin nhắn hoặc các mạng xã hội mà vẫn đảm bảo sự lịch thiệp, trang trọng nhé. 
17. Lựa chọn makeup và làm tóc cô dâu
Cô dâu cần cân nhắc về dáng mặt và phong cách đám cưới để lựa chọn phong cách trang điểm cũng như kiểu tóc phù hợp. Cụ thể, hãy lựa chọn phong cách trang điểm và kiểu tóc giúp che những khuyết điểm trên gương mặt bạn như mặt tròn, mặt dài hay xương quai hàm to.
Bên cạnh đó, một kiểu tóc và lớp trang điểm phù hợp cũng cần giúp cô dâu tôn lên những ưu điểm của khuôn mặt như mũi cao, mắt to hay lông mày sắc sảo quyến rũ. Bạn cũng cần tham khảo phong cách đám cưới của mình là truyền thống, sang trọng, hiện đại hay vintage, thiên nhiên để chọn một makeup look cho tương xứng, hài hòa.
Giá make-up cho cô dâu thường dao động từ 2 - 5 triệu đồng, nếu makeup cho cả mẹ cô dâu và đội bê tráp hoặc phù dâu sẽ có chi phí cao hơn, từ 5 - 10 triệu đồng.
Bên cạnh makeup, cô dâu cũng nên lên kế hoạch chăm sóc, làm đẹp trước ngày cưới từ da, dáng, tóc và móng để có cơ thể đẹp nhất, sức khỏe tốt và vẻ đẹp tự nhiên nhất cho ngày cưới tỏa sáng nhé.
18. Lên kịch bản ngày cưới chi tiết và chạy thử chương trình
Cô dâu chú rể nên làm việc với đội ngũ chạy chương trình ngày cưới để làm các loại kịch bản như kịch bản tổng quan, kịch bản MC và kịch bản kỹ thuật (âm thanh ánh sáng) sao cho các hoạt động ngày cưới diễn ra theo đúng như kế hoạch. 
Sau khi đã có kịch bản, hãy chạy thử chương trình từ 2 - 3 lần để phát hiện lỗ hổng và tìm cách khắc phục sao cho đám cưới được trơn tru hơn nhé.
Cặp đôi có thể làm việc cùng wedding planner để công việc quản lý hoạt động trong ngày cưới diễn ra một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu không thuê wedding planner, bạn hoàn toàn có thể nhờ anh em, bạn bè có kinh nghiệm tổ chức sự kiện để quản lý những hoạt động trong ngày cưới và xử lý những vấn đề phát sinh nhé.
19. Chuẩn bị cho tuần trăng mật
Tuần trăng mật là hoạt động ngay sau khi lễ cưới kết thúc, tuy nhiên hãy chuẩn bị cho tuần trăng mật từ sớm để đặt được những địa điểm bạn yêu thích.
Cặp đôi cần cân nhắc về sở thích của cả hai để lựa chọn địa điểm và hoạt động trong tuần trăng mật như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm thiên nhiên hay trải nghiệm văn hoá. Hãy lựa chọn địa điểm mà hai bạn ưa thích nhất để ghi dấu sự kiện quan trọng trong cuộc đời nhé. 
Khi đó, các bạn cần đặt vé phương tiện di chuyển (xe khách, tàu hoả hoặc máy bay), đặt địa điểm nghỉ ngơi (khách sạn, homestay hay resort) và đặt trước các hoạt động hai bạn sẽ tham gia tùy theo sở thích phía trên nhé. 

15 ngày trước đám cưới

Hai tuần cuối cùng trước khi đám cưới diễn ra, cặp đôi nên bắt đầu thanh toán cho các dịch vụ cưới đã hoàn thành. Hai người hãy dành riêng một buổi để đi đăng ký kết hôn chính thức. 
Đồng thời mỗi người hãy dành riêng 1 - 2 ngày để thư giãn, lấy lại tinh thần để có một tâm trí thoải mái nhất cho ngày đại hỷ. Cùng tìm hiểu chi tiết các công việc trên dưới đây nhé.
20. Thanh toán và hoàn thành các đơn đặt hàng/dịch vụ cưới
Cặp đôi nên đích thân kiểm tra và giám sát tiến độ của các bên cung cấp dịch vụ cưới như: tráp ăn hỏi, trang trí đám cưới hay chuẩn bị tiệc cưới. Đối với những dịch vụ đã hoàn thành như chụp ảnh cưới hay váy cưới, cặp đôi có thể tiến hành thanh toán để hoàn thành đầu mục công việc.
Còn đối với những dịch vụ trong ngày cưới như trang trí, tiệc cưới hay makeup cô dâu, hãy để ý về quá trình lễ cưới diễn ra để tiến hành thương lượng và thanh toán sau đám cưới để tránh việc đã trả tiền đầy đủ nhưng dịch vụ cung cấp không được chu toàn nhé.
21. Đăng ký kết hôn
Cô dâu chú rể nên đi đăng ký kết hôn sau khi đã hoàn thành khoảng 80% công việc cho ngày cưới để đánh dấu mốc quan trọng của cặp đôi. Nếu quá bận, các bạn hoàn toàn có thể đăng ký kết hôn sau khi đám cưới diễn ra mà không lo bị phạt do chưa có quy định bắt buộc đăng ký kết hôn trước đám cưới đâu nhé. 
22. Chuẩn bị tâm lý trước ngày cưới
Sau một khoảng thời gian dài bận rộn, lo toan cho các công việc chuẩn bị lễ cưới, chàng và nàng cũng nên dành riêng 1 - 2 ngày cho bản thân để thư giãn và làm bất cứ điều gì bạn thích, từ nghỉ ngơi, đọc sách, thiền, shopping hay ăn uống cùng bạn bè. Làm những thứ bạn thích sẽ giúp tâm trí thoải mái và có một thể trạng tốt nhất cho ngày đại hỷ đó. 

Kinh nghiệm tổ chức đám cưới trong mùa dịch

Việc thực hiện đám cưới trong mùa dịch cũng tương tự như các bước để chuẩn bị cho đám cưới thông thường. Tuy nhiên cặp đôi cần lưu ý về số lượng, không gian, thực đơn và một số quy định của lễ cưới thời giãn cách. Cùng tìm hiểu chi tiết những lưu ý khi tổ chức đám cưới mùa dịch bệnh dưới đây nhé. 

Xin phép uỷ ban nhân dân nơi sinh sống

Khi tổ chức đám cưới trong mùa dịch, cặp đôi cần tìm hiểu về mức độ dịch bệnh và quy định phòng dịch tại địa phương sinh sống. Cụ thể, nếu cặp đôi muốn cưới trong thời kỳ giãn cách xã hội, các bạn sẽ chỉ được phép tổ chức đám cưới online tại nhà riêng. 
Insert your text here
Đối với những địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, cặp đôi nên viết đơn xin phép tại phường/xã nơi bạn sống trước khi tiến hành tổ chức đám cưới. 
Trong đơn xin phép, hãy nêu rõ ngày giờ, địa điểm tổ chức, số lượng người tham gia và công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu bạn nhận được sự đồng ý từ chính quyền mới tiến hành tổ chức để tránh bị phạt hoặc lây lan thêm dịch bệnh nhé.  

Hạn chế số lượng người tham gia

Việc hạn chế số lượng người tham gia sẽ đảm bảo an toàn cho đám cưới đồng thời tiết kiệm chi phí cho cặp đôi trong mùa dịch khó khăn. Hai bạn nên bàn bạc và chỉ mời những người thực sự thân thiết, đồng thời họ cũng phải là người có khả năng tham dự như sống cùng tỉnh thành hoặc không nằm trong vùng dịch. 
Đối với những khách mời không thể tham dự đám cưới, cặp đôi có thể gửi thiệp cưới online dạng báo hỷ hoặc tổ chức lễ cưới online sẽ giúp nhiều người có thể chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của hai bạn.

Ưu tiên đám cưới ngoài trời

Đám cưới ngoài trời có không khí thoáng mát, dễ chịu và không bị gò bó tránh việc tiếp xúc gần và lâu giữa khách mời nên giảm khả năng lây lan dịch bệnh. Nếu cô dâu chú rể bắt buộc tổ chức đám cưới trong nhà, hãy sắp xếp các bàn và ghế cách xa nhau hơn để tạo không khí thoáng đãng hơn nhé. 

Sử dụng thực đơn bổ dưỡng

Trong mùa dịch, sức khoẻ là yếu tố tiên quyết do vậy, cặp đôi có thể sử dụng những món ăn bổ dưỡng, nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ như rau xanh, hoa quả, thịt cá giàu đạm để làm thực đơn tiệc cưới. Về đồ uống, các bạn có thể thay thế rượu, bia bằng các loại nước hoa quả như nước ép cam, ép ổi hoặc smoothies để cung cấp sức đề kháng cho cơ thể. 

Chuẩn bị dụng cụ phòng chống dịch bệnh

Cô dâu chú rể nên chuẩn bị những dụng cụ phòng chống dịch bệnh như: nước sát khuẩn tay, khẩu trang và dụng cụ đo thân nhiệt để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cho đám cưới. Đồng thời nên thuê khoảng 2 - 3 y tá dự phòng trong đám cưới và thực hiện công tác khai báo y tế để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy đến nhé.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm tổ chức đám cưới và lưu ý khi tổ chức đám cưới trong mùa dịch. Nếu cặp đôi không có kinh nghiệm và thời gian để lên kế hoạch đám cưới, các bạn có thể thuê wedding planner, khi đó họ sẽ là người thay mặt các bạn lên ý tưởng và làm việc với các đơn vị cung cấp.

Nếu các bạn chưa có kinh nghiệm tổ chức lễ ăn hỏi, cùng tìm hiểu Lễ ăn hỏi là gì? Lễ ăn hỏi 5, 7, 9 tráp là gì nhé. 

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!