Destination Wedding là gì, có đặc điểm gì nổi bật?
1. Destination Wedding là gì?
Destination Wedding là hình thức đám cưới kết hợp lễ thành hôn với tuần trăng mật. Thay vì tổ chức hôn lễ tại các khách sạn hay sảnh tiệc cưới, cô dâu chú rể sẽ cùng khách mời đến một địa điểm du lịch trong hoặc ngoài nước để tổ chức lễ cưới và nghỉ dưỡng.
2. Destination Wedding có đặc điểm gì nổi bật?
Đám cưới theo hình thức Destination Wedding nổi bật so với đám cưới thông thường bởi 4 yếu tố: địa điểm, số lượng khách mời, concept lễ cưới và các hoạt động trong lễ cưới.
Đầu tiên, về địa điểm, do kết hợp lễ cưới cùng trăng mật, Destination Wedding thường được tổ chức tại các địa điểm du lịch cách xa địa điểm sống của cô dâu và chú rể. Những nơi được ưa chuộng nhất thường là vùng biển hoặc đồi núi với phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn như Phú Quốc, Sa Pa hay nước ngoài như Bali.
Về số lượng khách mời, Destination Wedding chỉ gói gọn trong khoảng từ 20 - 50 người, chủ yếu là bố mẹ và bạn bè cực kỳ thân thiết của cặp cưới do tính chất lễ cưới tập trung vào trải nghiệm và sự gắn kết giữa các khách mời.
Concept đám cưới của Destination Wedding chủ yếu là tiệc cưới ngoài trời, mới lạ hơn so với các lễ cưới truyền thống của Việt Nam. Một số concept tổ chức được nhiều cặp đôi ưa thích là lễ cưới trong rừng, lễ cưới trên bãi biển hay tiệc cưới trong vườn hoa
Cuối cùng về hoạt động lễ cưới, Destination Wedding không chỉ gói gọn trong một buổi lễ thành hôn mà như một chuỗi sự kiện, bao gồm lễ cưới, các hoạt động nghỉ dưỡng hoặc trải nghiệm tại địa điểm du lịch kéo dài từ 2 - 3 ngày.
3. Destination Wedding phù hợp cho ai?
Với số lượng khách mời khá ít, Destination Wedding sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc đối với những cặp đôi yêu thích một lễ cưới riêng tư, kín đáo. Bên cạnh đó, những cặp cưới hiện đại, táo bạo cũng sẽ rất phù hợp với Destination Wedding do hoạt động cưới có thể sáng tạo theo ý thích, không cần tuân theo nghi lễ truyền thống.
Vì sao Destination Wedding lại ngày càng trở nên phổ biến?
Hình thức Destination Wedding đang ngày càng trở nên phổ biến bởi 5 ưu điểm vượt trội so với tổ chức đám cưới truyền thống như: cung cấp trải nghiệm mới lạ, chi phí đa dạng, công đoạn tổ chức đơn giản, nhiều kỷ niệm đáng nhớ và giảm thiểu sự căng thẳng trong quá trình lên kế hoạch lễ cưới.
Cùng tìm hiểu rõ hơn về những lý do khiến Destination Wedding được yêu thích đến vậy trong phần dưới đây nhé!
Trải nghiệm đám cưới với nhiều hoạt động mới lạ
Lễ cưới được tổ chức theo hình thức Destination Wedding sẽ cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách mời với không gian tổ chức mới lạ cùng các hoạt động thú vị sau phần lễ cưới.
Cụ thể, về không gian cưới, Destination Wedding hầu hết được
tổ chức ngoài trời như cạnh bãi biển, trong rừng hoặc vườn hoa để tận dụng trọn vẹn phong cảnh khu du lịch. Khách mời sẽ được cảm nhận bầu không khí thiên nhiên thoáng đãng, thoải mái và thư thả thay vì bó hẹp trong hội trường tiệc cưới.
Về hoạt động sau lễ cưới, cô dâu chú rể có thể thỏa sức sáng tạo thêm những hoạt động mới lạ sau khi kết thúc phần lễ như hát hò, nhảy múa hay các trò chơi tập thể thay vì rập khuôn theo các nghi lễ truyền thống.
Nhiều lựa chọn với các mức chi phí khác nhau
Mọi người thường nghĩ Destination Wedding khá tốn kém, tuy nhiên, hình thức này thật ra có rất nhiều phương án tổ chức với các mức ngân sách khác nhau.
Cặp đôi có thể lựa chọn thời gian, địa điểm và số lượng khách mời cho lễ cưới trăng mật dựa theo chi phí lễ cưới của mình. Cụ thể, nếu có chi phí tổ chức lớn, từ 180 - 300 triệu VNĐ, bạn có thể lựa chọn tổ chức Destination Wedding ở xa, với lượng khách mời khoảng 50 người cùng nhiều trải nghiệm độc đáo như đi lặn, nhảy dù hay thuê các tour tham quan được thiết kế sẵn.
Trái lại, nếu có ngân sách thấp hơn, khoảng 80 - 180 triệu VNĐ, bạn có thể lựa chọn một homestay hoặc resort thơ mộng gần thành phố với số lượng khách mời ít hơn từ 20 - 25 người và tự tổ chức các hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng.
Đơn giản hóa công đoạn tổ chức
Khi tổ chức Wedding Ceremony, cô dâu chú rể có thể đơn giản hoá và thoải mái hơn từ quá trình chuẩn bị đám cưới cho đến các nghi lễ trong ngày cưới.
Cụ thể, về khâu chuẩn bị cho đám cưới, cặp đôi có thể tiết kiệm nhiều thời gian trong việc gặp gỡ và mời cưới do số lượng khách mời ít và chủ yếu là khách mời thân thiết.
Bạn có thể tổ chức một buổi liên hoan nho nhỏ và gửi lời mời tới tất cả khách mời thay vì gặp mặt từng người để mời như các lễ cưới truyền thống. Sau đó, bạn có thể đăng tải và gửi
thiệp cưới online tới những khách mời ít thân thiết hơn để báo hỷ.
Về quá trình tổ chức lễ cưới, do đám cưới được tổ chức ở cùng một địa điểm, cặp đôi có thể giản lược các thủ tục cưới hỏi như lễ vu quy hay lễ rước dâu. Đồng thời, sau lễ cưới, cô dâu chú rể cũng có thể bỏ qua khâu chào hỏi và chúc rượu xã giao với khách mời bởi mọi người đã có thời gian vui chơi với nhau từ trước.
Tạo nên những kỷ niệm khó quên
Nếu như ở đám cưới truyền thống, người tham dự chỉ đến dự tiệc cưới, gửi phong bì và ra về, thì với Destination Wedding, khách mời và cặp đôi sẽ cùng nhau tham gia vào những hoạt động giải trí, gắn kết đội nhóm như một tour du lịch thực thụ
Chẳng hạn, cô dâu chú rể có thể lựa chọn các hoạt động như đi spa, tổ chức tiệc nướng nếu lựa chọn tổ chức tiệc cưới trăng mật kiểu nghỉ dưỡng hoặc lựa chọn khám phá hang động, leo núi hay đi lặn biển nếu ưa thích lễ cưới trăng mật kiểu khám phá, trải nghiệm.
Những hoạt động trên sẽ giúp cặp đôi và khách mời có cơ hội tương tác, kết nối để hiểu rõ nhau hơn đồng thời tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ bên nhau thay vì những câu chúc xã giao, ăn mừng ở lễ cưới thông thường.
Tránh phát sinh xung đột trong quá trình tổ chức lễ cưới
Việc tổ chức Destination Wedding sẽ giúp các cặp đôi giảm bớt áp lực trong quá trình lên kế hoạch cho lễ cưới và có một tâm trạng thoải mái hơn cho ngày trọng đại của mình nhờ công đoạn tổ chức lễ cưới đơn giản, có thêm sự giúp đỡ của khách mời thân thiết trong quá trình tổ chức và cả những hoạt động giải trí, dã ngoại.
Ngoài ra, Destination Wedding sẽ giúp những cặp đôi không cùng quê quán tránh được việc phải tranh cãi xem nên tổ chức đám cưới ở đâu, tổ chức thế nào, di chuyển ra sao. Cô dâu chú rể cũng bớt lo ngại về những phong tục cưới hỏi khắt khe của làng xóm hay những đánh giá của họ hàng hai bên.
Tổ chức Destination Wedding cần lưu ý những gì?
Bên cạnh việc cân nhắc về sở thích, phong cách của cặp đôi như đám cưới truyền thống, việc lên kế hoạch cho Destination Wedding sẽ cần cô dâu chú rể lưu tâm đến yếu tố khách mời để có kế hoạch hoàn hảo nhất.
Cùng tham khảo những lưu ý trong quá trình lên kế hoạch tổ chức cho Destination Wedding cụ thể dưới đây nhé.
Xác định người chi trả cho các đầu mục chi phí
Destination Wedding có hình thức như một chuyến du lịch ngắn ngày, vậy nên ngoài khoản chi phí tổ chức sự kiện, cặp đôi còn cần tính đến các chi phí phụ như chi phí ăn uống, nghỉ ngơi, di chuyển hay phí tham gia các hoạt động vui chơi.
Trong đó, các khoản mục như chi phí thuê địa điểm, tổ chức tiệc cưới, chi phí ăn uống và giải trí hầu hết đều do cặp cưới chi trả toàn bộ. Đối với chi phí thuê khách sạn và di chuyển, bạn nên cân nhắc ngân sách đám cưới của mình để xác định có chi trả cho khách mời hay không.
Nếu cộng thêm cả hai mục chi phí trên mà vượt quá ngân sách của bạn, hãy để khách mời tự chi trả chi phí khách sạn và di chuyển như khi bạn mời khách từ quê lên thành phố để dự cưới hoặc tham gia một chuyến du lịch thông thường nhé.
Cân nhắc yếu tố khách mời
Destination Wedding không chỉ cần sự chu toàn của cô dâu chú rể, mà còn cần sự đóng góp của cả khách mời. Người tham dự cần bỏ thời gian, công sức và có thể cả tiền bạc để chung vui, vì vậy cặp đôi cũng cần cân nhắc đến khả năng tài chính, thời gian biểu và sở thích của khách mời để thiết kế một chuyến đi phù hợp.
Về khả năng tài chính của khách mời
Đối với trường hợp cặp đôi chi trả hoàn toàn chi phí cho khách mời, bạn có thể bỏ qua việc cân nhắc tài chính của khách. Tuy nhiên, nếu để khách mời tự chi trả phần chi phí thuê khách sạn hoặc di chuyển, hãy cân nhắc số tiền mà mỗi khách mời có thể bỏ ra cho sự kiện cưới của bạn nhé.
Chẳng hạn, nếu khách mời có tài chính không quá dư dả, khả năng chi trả cho lễ cưới từ 1 - 3 triệu VNĐ, cặp đôi chỉ nên tổ chức Destination Wedding ở những thành phố gần nơi bạn đang sinh sống. Bạn có thể cân nhắc các địa điểm như Tam Đảo, Quảng Ninh hay Hải Phòng nếu đang sống tại Hà Nội.
Nếu cặp đôi sống tại TP. HCM, hãy tham khảo Vũng Tàu, Cần Giờ cho lễ cưới kiểu du lịch của mình nhé. Tại các địa điểm trên, bạn có thể thuê các homestay và tự thiết kế các hoạt động vui chơi để tiết kiệm chi phí.
Ngược lại, nếu khách mời có điều kiện tài chính, dự kiến có khả năng chi trả từ 2 - 5 triệu VNĐ, cặp đôi có thể tham khảo các địa điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc hoặc các địa danh nước ngoài.
Lúc này, bạn có thể thuê các resort, khách sạn cao cấp và đặt các tour du lịch thiết kế sẵn để tận hưởng dịch vụ sang trọng và đảm bảo tiện nghi nhất.
Để khách mời có thể xác định cụ thể chi phí cần chi trả, trong quá trình gửi thiệp mời cưới, hãy gửi kèm thông tin về khách sạn và phương tiện di chuyển để khách mời dễ dàng lựa chọn theo sở thích và khả năng tài chính của họ nhé.
Về thông tin khách sạn, bạn cần gửi thông tin đầy đủ về các loại phòng, tiện ích và giá tiền của từng phòng đó. Về phương tiện di chuyển, hãy liệt kê các loại phương tiện có thể di chuyển được như ô tô, xe khách, tàu hoặc máy bay kèm giá vé nhé.
Để thuận tiện nhất cho việc gửi các bảng thông tin và thống kê lựa chọn của khách mời, hãy tham khảo tính năng
thiết kế thiệp mời cưới online miễn phí của Nắm Tay nhé!
Về thời gian biểu của khách mời
Một Destination Wedding có thể kéo dài 1 - 2 ngày, 3 - 4 ngày hoặc thậm chí cả tuần tùy vào quyết định của cô dâu chú rể. Vì vậy, để đảm bảo khách mời có thể tham dự đầy đủ và có đủ thời gian vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, cặp đôi cần tham khảo trước thời gian biểu của những người khách mời quan trọng mà bạn mong muốn sẽ xuất hiện.
Nếu khách mời là những người bận rộn với lịch trình làm việc cố định, cặp đôi chỉ nên tổ chức Destination Wedding kéo dài từ 1 - 3 ngày với những hoạt động ngắn, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo tính tương tác như tổ chức tiệc nướng ngoài trời hoặc tham quan các di tích nổi tiếng.
Nếu khách mời là những người có nhiều thời gian rảnh hoặc làm việc tự do, cặp đôi có thể tổ chức Destination Wedding kéo dài 4 - 5 ngày với nhiều hoạt động giải trí đa dạng như bơi thuyền, leo núi hay cắm trại.
Về sở thích của khách mời
Destination Wedding là dịp để cô dâu chú rể cùng gia đình và bạn bè thân thiết tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ bên nhau. Vì vậy, để tất cả mọi người có thể vui vẻ tham gia, bạn cần chú ý đến thói quen, sở thích của mỗi cá nhân để quyết định các hoạt động giải trí phù hợp
Nếu khách mời là những người không thích vận động mạnh, cô dâu chú rể có thể chọn các hoạt động thư giãn nhẹ nhàng như xông hơi, câu cá hay đánh golf. Bạn cũng có thể tự tổ chức một số hoạt động đơn giản như đi tham quan di tích, dạo quanh các khu chợ đêm hoặc tổ chức lửa trại.
Nếu khách mời là những người thích khám phá, không ngại vận động, cặp đôi có thể tham khảo các tour leo núi, thám hiểm hoặc tổ chức đi lặn, chèo thuyền, đánh cá ban đêm. Thời gian rảnh, bạn có thể tổ chức thêm các trò chơi team building vận động như kéo co, cướp cờ hay các hoạt động thể thao như bóng chuyền, bóng rổ nhé.
Tìm hiểu kỹ về địa điểm tổ chức
Để có một Destination Wedding hoàn hảo, cô dâu chú rể nên chọn lựa kỹ địa điểm du lịch phù hợp cho việc tổ chức đám cưới của mình. Bạn cần cân nhắc đến không gian tổ chức và những dịch vụ hỗ trợ để đưa ra quyết định phù hợp với sở thích và ngân sách của bản thân.
Về không gian, cặp đôi cần tìm hiểu về khí hậu, thời tiết và phong cảnh của khu vực đó để có thể thiết kế các hoạt động vui chơi giải trí đúng với sở thích của mình và khách mời cũng như tránh tổ chức đám cưới vào những ngày mưa bão, thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, cặp đôi cần tìm hiểu trước về các khách sạn hay resort mình sẽ ở. Bạn cần biết liệu ở đó có cung cấp dịch vụ tổ chức đám cưới không, các dịch vụ hỗ trợ và chi phí thế nào.
Trường hợp lựa chọn thuê homestay, bạn cần hỏi chủ nhà về không gian tổ chức đám cưới, cũng như tìm thêm một đội wedding planner địa phương để họ hỗ trợ chuẩn bị, setup đám cưới.
Nếu tổ chức Destination Wedding ở nước ngoài, cặp đôi còn cần tìm hiểu thêm các điều kiện pháp lý, phong tục bản xứ và quy trình xuất nhập cảnh để tránh trường hợp khách mời không tham dự được.
Lên kế hoạch chi tiết cho đám cưới
Tương tự như đám cưới truyền thống, cặp đôi cũng cần lên kế hoạch tổ chức chi tiết cho Destination Wedding để tiết kiệm thời gian và dự trù phương án dự phòng nếu xảy ra sự cố ngoại cảnh như trời mưa hay địa điểm tham quan đóng cửa.
Việc có kế hoạch trước cũng giúp cặp đôi và khách mời chuẩn bị hành lý đầy đủ. Ngoài ra, khách tham dự sẽ có thể dễ dàng góp ý để điều chỉnh các hoạt động trong lịch trình hợp lý, đúng với sở thích chung của mọi người hơn.
Cô dâu chú rể cần xác định rõ khoảng thời gian nào sẽ diễn ra hoạt động nào, bao gồm những ai, cần chuẩn bị những gì để có dự trù kinh phí, cũng như cân đối giữa các hoạt động vui chơi chung và nghỉ ngơi cá nhân.
Với những đặc điểm lợi ích kể trên, Destination Wedding dường như trở thành lễ cưới ao ước của nhiều cặp đôi trẻ hiện đại. Nếu quyết định tổ chức lễ cưới kiểu này, bạn cũng cần lưu ý về truyền thống của địa phương và ý kiến của bố mẹ hai bên để tổ chức
lễ dạm ngõ,
lễ ăn hỏi và
lễ gia tiên sao cho phù hợp.
Trường hợp không thể tổ chức đám cưới trăng mật, bạn có thể tham khảo lễ cưới kiểu
Wedding Ceremony rất nhẹ nhàng, hiện đại cho những cặp đôi ưa thích sự riêng tư nhé!
Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!