Phóng sự cưới là gì? Nên chụp phóng sự cưới hay ảnh truyền thống?
Phóng sự cưới (Wedding photojournalism) là phong cách chụp ảnh đám cưới mới du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Khác với chụp ảnh đám cưới truyền thống, phóng sự cưới không có sự dàn xếp trước mà chú trọng vào yếu tố tự nhiên, chân thực.

Vậy chính xác thì chụp ảnh phóng sự cưới là chụp như thế nào, có ưu điểm và khuyết điểm gì? Nên chụp phóng sự cưới hay chụp ảnh truyền thống? Và khi chụp phóng sự cưới cần chú ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây!

Phóng sự cưới là gì? 

Phóng sự cưới là hình thức quay phim, chụp ảnh đám cưới bắt nguồn từ phóng sự báo chí - mọi thứ được quay chụp một cách ngẫu nhiên, không có kịch bản hay sự sắp xếp bố cục ghi hình trước để các sự kiện, cảm xúc trong đám cưới được phản ánh chân thực nhất.
hai hình thức phóng sự cưới là chụp ảnh và quay phim phóng sự cưới. Mỗi hình thức này sẽ có thành phẩm và cách sắp xếp mạch sự kiện khác nhau. Cụ thể như sau:
Thành phẩm của chụp ảnh phóng sự cưới sẽ là một album ảnh được chụp xuyên suốt quá trình tổ chức đám cưới. Bố cục album này thường sẽ được sắp xếp đúng theo thời gian cử hành các lễ, lần lượt là lễ xin dâu, lễ đón dâu và lễ cưới.
Thành phẩm của quay phim phóng sự cưới thì là một video dài từ 5 - 10 phút. Video này sẽ có bố cục sắp xếp mạch sự kiện đa dạng hơn: theo mạch thời gian quá trình tổ chức tiệc, theo mạch tâm trạng của cô dâu chú rể hoặc theo góc nhìn của khách mời tham dự.

Nên chọn phóng sự cưới hay chụp ảnh truyền thống?

Hình thức phóng sự cưới phù hợp cho những cặp đôi có đám cưới nhỏ (ít hơn 150 khách mời) và, muốn có những bức ảnh độc đáo, lưu giữ những kỷ niệm chân thật nhất. 
Còn chụp ảnh đám cưới truyền thống phù hợp cho những cặp đôi tổ chức đám cưới với đông khách mời (từ 150 người trở lên), có ngân sách tiết kiệm, và muốn có những bức ảnh bố cục đồng đều, rõ mặt từng người để gửi cho khách tham dự.
Cụ thể, cùng tham khảo phần phân tích về phóng sự cưới và chụp ảnh truyền thống dưới đây để chọn được hình thức lưu giữ kỷ niệm phù hợp nhất với quy mô đám cưới, nhu cầu về thành phẩm và ngân sách hiện có của mình nhé!

Phóng sự cưới phù hợp với những đám cưới quy mô nhỏ hơn chụp ảnh truyền thống

Phóng sự cưới phù hợp với những đám cưới nhỏ hơn vì trong những đám cưới như vậy, nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng bao quát toàn bộ khung cảnh và chụp được những ảnh có đầy đủ khách mời dù không cần sắp xếp bố cục trước. Lượng khách mời ít cũng đảm bảo mọi người sẽ rõ mặt, đồng đều về biểu cảm và tư thế hơn kể cả khi bị chụp ngẫu nhiên.
Còn với các đám cưới lớn, chụp ảnh truyền thống sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc hơn bởi với hình thức này, nhiếp ảnh gia được chọn trước góc máy, cách tạo dáng, và căn chỉnh ánh sáng phù hợp, đảm bảo mọi khách mời đều có ít nhất một ảnh kỷ niệm đẹp với cặp đôi.
(Nguồn: DatLe Photos & Salute)

Phóng sự cưới đem lại thành phẩm chân thật, độc đáo hơn chụp ảnh truyền thống

Phóng sự cưới không có kịch bản từ trước, do đó album phóng sự cưới hay clip phóng sự cưới đều phản ánh những sự kiện ngẫu nhiên, độc đáo, chỉ xảy ra trong ngày cưới của riêng cô dâu chú rể. Khi xem thành phẩm phóng sự cưới, bạn sẽ có thêm một lần trải nghiệm lại những ký ức đó, gợi lên những cảm xúc đã qua trong đám cưới và sự bồi hồi khi nhìn lại những gì đã diễn ra.
Trái lại, chụp ảnh truyền thống thường có bối cảnh là cổng nhà, cổng hoa cưới hay sảnh tiệc cưới và có sự căn chỉnh bố cục, sắp đặt cách tạo dáng, nên dễ gây cảm giác trùng lặp với ảnh của những đám cưới khác. Đồng thời, ảnh đám cưới truyền thống chỉ ghi lại hình ảnh mà không có hoàn cảnh, sự kiện cụ thể, vì thế sẽ không thể khơi gợi lại ký ức và cảm xúc khi xem lại thành phẩm sau này.

Phóng sự cưới có mức chi phí cao hơn chụp ảnh đám cưới truyền thống

Chi phí làm phóng sự cưới thường dao động từ 3 - 10 triệu đồng, cao hơn so với chụp ảnh truyền thống từ 1 - 2 triệu đồng bởi hình thức quay chụp này cần số lượng thợ chụp nhiều hơn, nhiếp ảnh gia có chuyên môn cao hơn và thời gian chỉnh sửa hậu kỳ lâu hơn.
Cụ thể, phóng sự cưới cần ít nhất 2 thợ chụp và mỗi thợ đều cần có khả năng quan sát, ứng biến nhanh nhạy để bắt được khoảnh khắc đặc sắc ngay khi chúng xảy ra. Trong khi quay chụp truyền thống chỉ cần ít nhất 1 thợ chụp và nhiếp ảnh gia sẽ được chọn trước cảnh sẽ ghi hình.
(Nguồn: DatLe Photos & Salute)

Kinh nghiệm làm phóng sự cưới đẹp và ấn tượng

Chọn nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm chụp phóng sự

Cô dâu chú rể nên chọn những nhiếp ảnh gia có chuyên môn trong việc chụp phóng sự cưới, vì thể loại này cần người thợ có kinh nghiệm quan sát, căn chỉnh góc máy nhanh để ghi lại những khoảnh khắc đáng giá ngay khi chúng diễn ra. Bạn có thể lựa chọn những nhiếp ảnh gia từng đi học chuyên về phóng sự cưới, hoặc chọn những nhiếp ảnh gia từ các studio có thâm niên lâu năm trong lĩnh vực phóng sự cưới.
Nếu có thể, các bạn nên chọn những thợ chụp đã từng hợp tác với mình hoặc đến từ studio đã chụp ảnh cưới cho bạn để đảm bảo ekip làm việc ăn ý, hiểu rõ những góc ăn ảnh của bạn và tiết kiệm chi phí.
Khi chọn nhiếp ảnh gia, ngoài yêu cầu về kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, hãy tham khảo trước một số thành phẩm nhiếp ảnh gia đó đã thực hiện để xem liệu phong cách quay chụp, chỉnh sửa hậu kỳ có phù hợp với nhu cầu của mình không bạn nhé.

Tìm hiểu kỹ về studio và những điều khoản hợp đồng

Bạn nên tìm hiểu 2 - 3 studio chuyên quay - chụp phóng sự cưới và so sánh những gói dịch vụ, sản phẩm đã thực hiện của những studio này, cũng như tìm hiểu đánh giá của những khách hàng đã chụp ảnh tại đây trên các hội, nhóm trên mạng xã hội để có lựa chọn khách quan nhất.
Sau đó, trước khi ký hợp đồng, hãy hỏi rõ về 4 vấn đề: số thợ ghi hình; những thiết bị được cung cấp; thời gian quay/ chụp và những thành phẩm sẽ nhận được. Về số lượng thợ, thường sẽ có ít nhất 2 thợ quay/ chụp để ghi hình được đồng thời nhà trai và nhà gái.
Về thiết bị, tùy vào gói dịch vụ bạn chọn mà các studio sẽ cung cấp 1 - 2 máy ảnh/ máy quay. Với những gói quay phóng sự cưới cao cấp (4 triệu đồng trở lên), studio có thể sẽ cung cấp thêm 1 flycam để quay thêm các cảnh đường phố hay địa điểm tổ chức tiệc cưới. 
Về thời gian chụp, thường nhiếp ảnh gia sẽ ghi hình trong suốt buổi lễ tùy theo gói dịch vụ bạn đã chọn: chỉ ghi hình lễ ăn hỏi, chỉ ghi hình lễ cưới, hoặc ghi hình trọn gói cả lễ ăn hỏi, lễ đón dâu và lễ cưới. Tuy nhiên, có một số studio sẽ ghi hình theo tiếng, thường là 4 tiếng cho một gói.
Về thành phẩm, bạn thường sẽ nhận được hết các file gốc, album phóng sự cưới với 50 - 100 tấm ảnh được chỉnh sửa hậu kỳ hoặc video phóng sự cưới lưu dưới dạng USB, DVD, Youtube hay Full HD.

Thảo luận trước với ekip về bối cảnh và hình ảnh mà bạn mong muốn

Dù không được lên kịch bản hay dàn dựng bố cục từ trước, nhưng bạn hoàn toàn có thể thảo luận trước với ekip để quyết định concept quay, chụp, cảm xúc chủ đạo trong video/ album ảnh, cũng như một số hình ảnh bạn mong muốn sẽ xuất hiện trong thành phẩm cuối.
Về concept quay chụp, bạn nên chọn concept tương đồng với ý tưởng trang trí đám cưới để thành phẩm cuối có sự tương đồng với bối cảnh trang trí xung quanh.
Về cảm xúc chủ đạo của video/album ảnh, đó có thể là sự vui tươi thể hiện qua hình ảnh khách mời đang trò chuyện với nhau hay cảnh phù dâu thách đố chú rể; hoặc có thể là sự xúc động khi chú rể nhìn thấy cô dâu trên lễ đường, hay cô dâu chào tạm biệt bố mẹ trước khi sang nhà chồng.

Đảm bảo mọi bối cảnh đều đủ sáng và trang trí kỹ càng

Bạn cần thiết kế địa điểm tổ chức lễ đón dâu và nơi tổ chức tiệc cưới với đầy đủ các thiết bị ánh sángtrang trí kỹ từng chi tiết nhằm đảm bảo có nhiều ảnh đẹp dù không chọn góc máy từ trước (ảnh không bị tối hay chói sáng, không có góc khuất nào mất thẩm mỹ vô tình xuất hiện trong khung hình).
Để ảnh sáng vừa phải, bạn sẽ cần bàn bạc với phía cho thuê địa điểm chuẩn bị thêm các đèn trang trí cho các khu vực khuất sáng nếu tổ chức đám cưới trong nhà, hoặc các loại bạt che, ô trang trí nếu tổ chức đám cưới ngoài trời.
Về trang trí, bạn có thể thêm các loại rèm hoặc một số chiếc bàn với hoa tươi để che đi những đồ đạc không cần thiết, tạo phông nền tự nhiên cho bức ảnh. Trước ngày cưới, hãy dọn dẹp, kiểm tra lại địa điểm tổ chức một lần nữa để chắc chắn không còn góc nào bừa bộn.

Tránh tập trung quá nhiều vào vị trí của máy ảnh

Thay vì luôn chú ý xem máy ảnh đang ở góc nào, chụp cái gì, thì cô dâu chú rể nên tập trung chuẩn bị cho lễ cưới của mình và đón tiếp khách mời như bình thường để nhiếp ảnh gia có thể tự do sáng tạo và ghi lại được những khoảnh khắc tự nhiên nhất của cặp đôi và khách tham dự.
Bởi mục đích của chụp phóng sự cưới là để lưu giữ những khoảnh khắc chân thật nhất, nếu cặp đôi quá để ý vị trí máy ảnh sẽ khiến ảnh mất tự nhiên, thậm chí lúng túng và mất tập trung trong đám cưới.
(Nguồn: DatLe Photos & Salute)

10 đơn vị làm phóng sự cưới tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

5 studio làm phóng sự cưới đẹp ở Hà Nội

Cộng Studio - 23/98 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội
Tuart Wedding - 17 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Nupakachi -  136 Nguyễn Hy Quang, Đống Đa, Hà Nội
Palatino Studio - 27 Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
Lavender Media - Số 16, Ngõ 110 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội

5 studio làm phóng sự cưới đẹp ở TP. HCM

Aloha Studio - 200 – 202 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. HCM
Nini Store - 55/34 Lê Ngã, quận Tân Phú, TP. HCM
Lin Lee Photography - 348 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. HCM
Tony Wedding - 511/51 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP. HCM
Nui Wedding - 09 Đường 14, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Thủ Đức, TP. HCM
(Nguồn: DatLe Photos & Salute)
Trên đây là tất cả những gì cô dâu chú rể cần biết về phóng sự cưới, những điểm khác nhau giữa phóng sự cưới và chụp ảnh truyền thống, cũng như những lưu ý để làm nên một phóng sự cưới hoàn hảo. 
Nếu quyết định làm phóng sự cưới, hãy lên kế hoạch ít nhất 4 tháng trước khi cưới để kịp cân đối chi phí tổ chức đám cưới, có thời gian thảo luận thêm với studio và hẹn được thời gian chụp đúng với kế hoạch tổ chức đám cưới của mình nhé!

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!