Lễ hằng thuận là gì? Nghi thức tổ chức lễ hằng thuận đầy đủ
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều cặp đôi lựa chọn tổ chức lễ hằng thuận bên cạnh lễ cưới tại gia thông thường với mong muốn mang lại phước lành cho cả cặp đôi và gia đình hai bên.

Vậy lễ hằng thuận là gì? Ý nghĩa của lễ hằng thuận ra sao? Nghi thức tổ chức lễ hằng thuận như thế nào? Chi phí tổ chức là bao nhiêu? Cùng tìm hiểu dưới bài viết này nhé!

Lễ hằng thuận là gì?

Lễ hằng thuận là lễ cưới được tổ chức tại chùa hoặc thiền viện lớn theo nghi thức Phật giáo Việt Nam. Trong tên gọi, “hằng” là thường xuyên, luôn luôn, “thuận” là hòa thuận, yên ấm, vì vậy việc cưới tại chùa được tin là sẽ giúp cho đôi vợ chồng luôn sống hòa thuận với nhau, cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình.
Về nguồn gốc, lễ hằng thuận được tổ chức lần đầu vào năm 1930, do bác sĩ phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám tổ chức cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Tuy vậy, mãi đến năm 1971, lễ này mới được chính thức đặt tên là lễ hằng thuận bởi hòa thượng Thích Thiện Hòa. 
(Nguồn: Internet)

Lễ hằng thuận có bắt buộc không? Ý nghĩa của lễ hằng thuận

Lễ hằng thuận không phải là nghi thức tôn giáo bắt buộc mà dựa trên sự tự nguyện của cặp đôi. Khi muốn tổ chức lễ hằng thuận là cô dâu chú rể đã có ý thức trách nhiệm về cuộc hôn nhân và muốn minh chứng điều đó với đức Phật.
Lễ hằng thuận là dịp để cô dâu chú rể được nghe những lời giáo huấn quý báu của thầy chủ lễ về bổn phận của người làm vợ, làm chồng theo cũng như cách tu tập để có cuộc sống an lạc, phòng ngừa mọi nguy cơ có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. 

Nghi thức tổ chức lễ hằng thuận

Việc tổ chức lễ hằng thuận thường không quá phức tạp. Cô dâu chú rể chỉ cần lựa chọn thời gian tổ chức một cách phù hợp, lưu ý một số điểm khi chuẩn bị lễ và thực hiện theo trình tự nhà chùa hướng dẫn là được.
Cụ thể, cùng tìm hiểu về thời gian tổ chức, các lưu ý khi chuẩn bị trình tự diễn ra của lễ hằng thuận trong phần dưới đây:

Nên tổ chức lễ hằng thuận khi nào?

Cô dâu chú rể nên tổ chức lễ hằng thuận cùng ngày với lễ cưới là tiện cho khách mời tham gia nhất. Chỉ bất đắc dĩ khi nhà chùa đã kín lịch hôm đó thì cặp đôi mới nên lùi lại 1 - 2 ngày. Và nếu cặp đôi muốn tránh trường hợp như vậy, hãy chủ động đề xuất thời điểm tổ chức mong muốn với các sư thầy từ 5 - 7 ngày trước đó.
Nếu may mắn được tổ chức lễ hằng thuận cùng ngày với đám cưới, cặp đôi có thể cân nhắc một trong hai thời điểm là sau lễ rước dâu ở nhà gái hoặc sau lễ thành hôn ở nhà trai.
Cụ thể, nếu tổ chức sau lễ rước dâu tại nhà gái, cả hai gia đình sẽ di chuyển đến chùa để thực hiện các nghi thức lễ hằng thuận trước rồi mới đưa dâu về nhà trai. Còn nếu tổ chức sau lễ thành hôn, cặp đôi vẫn sẽ thực hiện các thủ tục cưới hỏi tại gia như thường lệ rồi mới đến chùa làm lễ hằng thuận. 
Nếu không thể tổ chức cùng ngày như vậy, hai gia đình nên cân nhắc tổ chức lễ hằng thuận vào khoảng 1 - 2 ngày sau đám cưới. Thời gian muộn hơn có thể làm phát sinh nhiều chi phí cho cặp đôi (chi phí thuê trang phục, mời khách mời).
Ngoài ra, trước khi hôn lễ diễn ra khoảng 3 - 5 ngày, cô dâu chú rể cần thường xuyên lên chùa để nghe giảng đạo vợ chồng, đạo làm con để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân trong tương lai.
(Nguồn: Internet)

Các lưu ý khi chuẩn bị lễ hằng thuận

Để tổ chức lễ cưới tại chùa hoàn hảo nhất, cặp đôi sẽ cần chú ý đến việc trang trí lễ, chuẩn bị trang phục cho cô dâu chú rể, khách tham dự và tiệc sau lễ. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn cho từng khâu chuẩn bị đó:
Phần trang trí của lễ hằng thuận thường sẽ được các vị chư tăng, phật tử chuẩn bị giúp. Tuy nhiên, một số nơi có thể sẽ để bạn chọn màu sắc, kiểu dáng, loại hoa trang trí hoặc loại trà, bánh dùng khi kết thúc phần lễ theo sở thích của mình. Khi đó, bạn hãy lưu ý chọn những màu sắc nhã nhặn để phù hợp với không khí trang nghiêm của nhà chùa nhé.
Trang phục của cô dâu chú rể và khách tham dự lễ Hằng thuận tại chùa cần đảm bảo sự trang trọng, lịch sự. Đối với cô dâu chú rể, áo dài cưới truyền thống với họa tiết không quá cầu kỳ sẽ là sự lựa chọn thích hợp nhất.
Về phần khách tham dự, phái yếu nên chọn áo dài truyền thống, váy dài hoặc quần áo trang nhã có thiết kế đơn giản, màu sắc không quá nổi bật. Còn phái mạnh nên chọn vest tối màu (xanh, xám) hoặc quần âu, sơ mi để thể hiện phong thái lịch thiệp.
Về tiệc chay sau buổi lễ, cô dâu chú rể nên hỏi trước xem có được tổ chức tiệc chay ngay trong khuôn viên chùa không, bởi một số ngôi chùa chỉ cho phép cặp đôi chuẩn bị trà bánh lót dạ cho khách mời sau lễ. Trường hợp không được sự cho phép, cặp đôi nên đặt tiệc chay ở nơi khác hoặc chọn ngôi chùa có tổ chức cả lễ và tiệc dành cho khách mời.
(Nguồn: Internet)

Trình tự tổ chức lễ hằng thuận

Trình tự tổ chức lễ hằng thuận khá giống với một đám cưới thông thường, bao gồm các hoạt động chính là tuyên bố lý do, cầu phúc cho cặp đôi, trao nhẫn cưới và nhận lời chúc tụng của hai họ.
Lễ hằng thuận thường diễn ra trong khoảng từ 45 - 60 phút tùy theo quy định của mỗi ngôi chùa cũng như điều kiện tổ chức của cặp đôi. Trình tự cụ thể của buổi lễ như sau:
Bước 1: Ổn định tổ chức
Cặp đôi quỳ trước bàn dài ở chính điện nơi thực hiện nghi thức kết duyên, hướng về nơi thờ Phật và làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Bạn bè, người thân của cô dâu chú rể ngồi hai bên theo đúng quy cách “nam tả, nữ hữu” (nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải).
Trước khi làm lễ, cô dâu chú rể sẽ được chủ trì làm lễ quy y nếu chưa có pháp danh, còn trường hợp nếu đã quy y thì chủ hôn sẽ tiến hành tuyên bố lý do buổi lễ, giới thiệu thành phần tham dự, đại diện của hai gia đình nói lời phát biểu.
Bước 2: Thực hiện nghi lễ chính
Nghi lễ chính của lễ hằng thuận thường bao gồm 4 bước căn bản như sau:
Đầu tiên, cô dâu chú rể đọc lời nguyện đã chuẩn bị từ trước rồi cùng nhau nghe lời giảng của trụ trì về luân thường đạo lý trong hôn nhân, gia đình cũng như ngoài xã hội.
Sau đó, hòa thượng chủ hôn buộc dây tơ hồng làm bằng ruy-băng, len hoặc lụa đỏ để thể hiện sự gắn bó trọn đời của đôi uyên ương.
Tiếp theo, cô dâu chú rể thực hiện đảnh lễ niệm ân cha mẹ hai bên để thể hiện lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục rồi tiến hành “phu thê giao bái” và trao nhẫn cưới cho nhau. Sau đó cặp đôi sẽ ký tên vào giấy chứng nhận và cùng lắng nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.
Cuối cùng, đại diện hai bên gia đình sẽ có bài phát biểu để chỉ bảo cặp vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau đó, nhà chùa và gia đình có thể tặng hoa hoặc quà cho nhau để kết thúc buổi lễ. Một số gia đình còn nhân cơ hội này thể hiện lòng thành bằng cách chuyển tiền hoặc vật phẩm nhờ nhà chùa làm từ thiện đến những hoàn cảnh khó khăn.
(Nguồn: Internet)
Bước 3: Đãi tiệc sau lễ
Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, hai bên gia đình cần cân đối thời gian để lựa chọn mời các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè thưởng thức tiệc bánh trà nhẹ nhàng hay dự một bữa tiệc chay. Nếu cặp đôi tổ chức lễ Hằng thuận sau khi làm lễ rước dâu ở nhà gái thì tổ chức tiệc ngọt sẽ là sự lựa chọn phù hợp vì giúp tiết kiệm thời gian cho hai bên gia đình thực hiện lễ thành hôn tại nhà trai sau đó.
Còn trường hợp lễ hằng thuận được tổ chức sau khi kết thúc lễ cưới ở nhà trai, cặp đôi có thể lựa chọn đãi các vị khách tham dự một bữa tiệc chay ngay tại chùa với các món ăn đều được chế biến từ thực vật như nấm, mộc nhĩ, khoai, đậu phụ hoặc ngũ cốc.

Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!

Tổ chức lễ hằng thuận ở đâu?

5 địa điểm tổ chức lễ hằng thuận tại Hà Nội

5 địa điểm tổ chức lễ hằng thuận tại Hà Nội
Thiền viện Sùng Phúc - Tổ 10, phường Cự Khối, quận Long Biên
Chùa Lý Triều Phúc Sư -  50 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm
Chùa Đình Quán -  Đình Quán, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm
Chùa Quán Sứ - 73 Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm
Chùa Vạn Phúc - thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn

5 địa điểm tổ chức lễ hằng thuận tại Hồ Chí Minh

Chùa Hoằng Pháp - 188/8 Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn
Chùa Vĩnh Nghiêm -  339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 14, quận 3
Chùa Pháp Hoa -  220A Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3
Chùa Viên Giác -  193 Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình
Chùa Định Thành - 629 Cách Mạng Tháng 8, phường 15, quận 10

Chi phí tổ chức lễ hằng thuận

Chi phí tổ chức lễ hằng thuận thường trong khoảng 20 - 35 triệu đồng, bao gồm chi phí trang trí, chi phí thực hiện nghi lễđãi tiệc sau lễ. Bạn có thể tham khảo chi phí cụ thể dưới đây:

Chi phí trang trí từ 5 - 15 triệu đồng

Cặp đôi nên cân đối ngân sách của mình để chọn chất liệu trang trí là hoa tươi hoặc hoa lụa. Nếu có kinh tế dư dả (12 - 15 triệu đồng), bạn có thể chọn chất liệu trang trí là hoa tươi để tăng thêm phần trang trọng cho buổi lễ.
Trường hợp bạn có kinh tế hạn hẹp hơn (5 - 10 triệu đồng) thì hoa lụa là sự thay thế hoàn hảo. Trang trí bằng hoa lụa sẽ giúp cặp đôi tiết kiệm rất nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ không kém gì hoa tươi.

Chi phí thực hiện nghi lễ từ 5 - 30 triệu đồng

Chi phí thực hiện nghi lễ phụ thuộc vào hình thức cúng dường mà cặp đôi lựa chọn là Tam Bảo hay Trai Tăng. Cụ thể, khi bạn chọn hình thức cúng dường Tam Bảo tức là hai gia đình sẽ công đức một khoản chi phí (thường vào khoảng 5 - 10 triệu đồng) cho nhà chùa để chuẩn bị hoa quả và nhang đèn.
Ngược lại, cúng dường Trai Tăng là hình thức công đức riêng cho các nhà sư thực hiện buổi lễ (mỗi nhà sư khoảng 3 - 5 triệu đồng). Khi đó, cặp đôi cần cân nhắc số lượng nhà sư để chuẩn bị trước số tiền công đức phù hợp. Thường một lễ cưới tại chùa sẽ có 1 hòa thượng chủ hôn và khoảng 4 - 8 thầy sư cùng thực hiện.

Chi phí đãi tiệc sau lễ từ 2 - 10 triệu đồng

Chi phí đãi tiệc sau lễ dao động từ 2 - 10 triệu đồng/ 60 khách, phụ thuộc vào việc cặp đôi lựa chọn đãi tiệc ngọt hay tiệc chay. Cụ thể, nếu cặp đôi lựa chọn đãi tiệc ngọt bằng trà, kẹo, bánh, chi phí đãi tiệc sẽ không đáng kể, rơi vào khoảng 2 - 3 triệu đồng.
Trường hợp cặp đôi chọn chiêu đãi các tăng ni, phật từ và khách tham dự bằng tiệc chay, chi phí đãi tiệc sẽ cao hơn, thường trong khoảng từ 5 - 10 triệu đồng.
(Nguồn: Internet)
Hy vọng qua bài viết này, các cặp đôi đã hiểu được ý nghĩa và nghi thức của lễ hằng thuận đồng thời dự trù được chi phí để tổ chức lễ cưới tại chùa. Ngoài lễ hằng thuận, các nghi lễ khác trong thủ tục cưới hỏi Việt Nam như lễ công cô, lễ nạp tài cũng đòi hỏi cặp đôi phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi tổ chức đám cưới. Bạn có thể tham khảo tại:
Lễ nạp tài là gì?