16 mẫu bánh cưới theo xu hướng năm 2022
Bánh cưới theo xu hướng 2022 có 3 cách trang trí phổ biến là bánh kem cưới to đặt trên sân khấu, tháp bánh cưới gồm nhiều bánh nhỏ hoặc các bánh cưới nhỏ phục vụ tại chỗ cho khách mời. Trong đó bánh kem cưới to đặt trên sân khấu vẫn là loại bánh phổ biến nhất, gồm 6 cách trang trí sau:
Bánh kem cưới gắn hoa - 2 triệu đến 4 triệu đồng
Bánh kem cưới gắn hoa về cơ bản khá giống bánh cưới truyền thống chỉ thay hoa kem bằng các loại hoa tươi để tạo điểm nhấn. Bánh kem cưới gắn hoa mang đến sự nữ tính, mềm mại phù hợp với những đám cưới mang phong cách cổ điển, truyền thống.
Bạn nên chọn loại hoa trang trí bánh kem cưới gắn hoa theo mùa để tiết kiệm chi phí. Ví dụ bạn có thể chọn hoa hồng hoặc hoa thủy tiên cho đám cưới mùa xuân, hoa hướng dương, hoa thược dược sẽ thích hợp cho đám cưới mùa hè. Mùa thu bạn có thể chọn hoa cẩm tú cầu. Còn với mùa đông, hoa hồng hoặc hoa cẩm chướng sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo.
Bánh kem cưới màu nước - 1,5 triệu đến 3 triệu đồng
Bánh kem cưới màu nước sẽ được trang trí bằng lớp kem nền màu trắng và syrup nhiều màu tạo hiệu ứng loang đẹp mắt và độc đáo. Bánh cưới màu nước mang tính nghệ thuật cao mà lại không quá cầu kỳ, nhiều họa tiết, phù hợp với phong cách đám cưới sang trọng và tinh tế.
Bạn có thể chọn bánh kem cưới màu nước chỉ gồm một gam màu như cam, hồng nhạt, xanh pastel hoặc kết hợp nhiều gam màu có sự đồng điệu với nhau trên một chiếc bánh cưới (hồng phai - xanh bạc hà, cam - tím nhạt).
Bánh kem cưới trái cây - 1,5 triệu đến 3,5 triệu đồng
Bánh kem cưới
trái cây chủ yếu dùng những loại quả nhỏ như dâu, cherry, cam, phúc bồn tử để trang trí, đặc biệt thích hợp cho đám cưới mùa xuân, hè. Bánh cưới trái cây mang đến sự trẻ trung, tươi mới, phù hợp phong cách
đám cưới mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên và được
tổ chức ngoài trời.
Bánh kem cưới họa tiết ánh kim - 1 triệu đến 2 triệu đồng
Bánh kem cưới họa tiết ánh kim là loại bánh được phủ kem trắng, xung quanh được trang trí bằng các họa tiết hoa văn cổ điển ánh kim sang trọng. Bánh cưới ánh kim có thể mang màu vàng đồng hay ánh bạc, mang lại sự lộng lẫy, xa hoa nên rất phù hợp với đám cưới phong cách hoàng gia, sang trọng và thanh lịch.
Bánh kem cưới nghệ thuật - 2,5 triệu đến 5 triệu đồng
Bánh kem cưới nghệ thuật thường được biến tấu thành những tác phẩm nghệ thuật với hình khối và màu sắc độc đáo, sáng tạo như hình hoa, hình váy cưới chứ không chỉ có hình tròn hoặc vuông như bánh cưới truyền thống. Bánh cưới nghệ thuật mang đến sự thu hút, quyến rũ, đặc biệt phù hợp phong cách đám cưới lãng mạn.
Bánh cưới trần - 1,2 triệu đến 2,5 triệu đồng
Bánh cưới trần là mẫu bánh không sử dụng kem trang trí bên ngoài, để nguyên cốt bánh hoặc phết kem theo cách tự nhiên, ngẫu hứng và điểm xuyết hoa tươi, trái cây tinh tế. Bánh cưới trần mang vẻ mộc mạc, phóng khoáng phù hợp phong cách
đám cưới đơn giản, mộc mạc như
tiệc cưới ngoài trời.
Bánh kem cưới đẹp, sang trọng nhưng khó sử dụng ngay sau khi cắt bánh, gây lãng phí. Do vậy, tháp bánh cưới gồm nhiều bánh nhỏ ngày càng phổ biến hơn ở những đám cưới hiện đại, nhất là
Wedding Ceremony kiểu Tây. Cùng tham khảo
4 tháp bánh cưới phổ biến dưới đây:
Tháp bánh cưới cupcake - 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháp 50 chiếc
Tháp bánh cưới cupcake gồm khoảng 50 chiếc bánh kem nhỏ được lót cốc giấy, rất tiện để mời khách hoặc làm quà tặng cho khách sau đám cưới. Trường hợp cô dâu chú rể vẫn muốn thực hiện nghi thức cắt bánh thì có thể đặt ở trên đỉnh tháp bánh cưới cupcake một bánh kem cưới mini đường kính khoảng 10cm.
Tháp bánh cưới donut - 500,000 đến 1,5 triệu đồng/tháp 50 chiếc
Tháp bánh cưới donut (doughnut) gồm nhiều bánh nhỏ có hình dáng như chiếc nhẫn được phủ kem, socola hoặc những hạt cốm nhiều màu sắc bên ngoài để trang trí. Khi trang trí tháp bánh cưới donut, bạn có thể yêu cầu nơi làm bánh xen kẽ hoa tươi và lá tươi để tháp bánh cưới trông ấn tượng hơn.
Tháp bánh cưới macaron - 500,000 đến 1,5 triệu đồng/tháp 50 chiếc
Tháp bánh cưới macaron là tháp bánh gồm nhiều bánh ngọt nhỏ đặc trưng của Pháp, có lớp vỏ ngoài giòn xốp và lớp kem béo ngậy kẹp ở giữa. Tháp bánh cưới macaron sẽ phù hợp với những đám cưới có
phong cách hiện đại hoặc
Wedding Ceremony.
Những tháp macaron có gam màu tương tự nhau được xếp theo thứ tự màu sắc đậm dần hoặc nhạt dần và giống gam màu chủ đạo để trang trí đám cưới là lựa chọn an toàn nhất. Còn nếu bạn muốn bánh cưới phá cách hơn, bạn có thể chọn một tháp bánh cưới nhiều màu.
Tháp bánh cưới su kem - 500,000 đến 2 triệu đồng/tháp 50 chiếc
Tháp bánh cưới su kem gồm nhiều bánh nhỏ với lớp vỏ mềm và nhân kem chantilly béo ngậy được xếp chồng lên nhau thành hình nón. Bên ngoài tháp bánh có thể phủ thêm những sợi chỉ đường, rưới thêm các loại sốt (caramel, mứt trái cây) hoặc xen kẽ hoa tươi và ruy băng để tạo điểm nhấn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phục vụ từng phần bánh nhỏ tại chỗ ngồi của khách mời như một món tráng miệng vì hình thức này vừa đảm bảo vệ sinh, vừa thể hiện được sự chu đáo, quan tâm của gia đình đến toàn thể khách mời.
Bên cạnh bánh su kem, nếu tổ chức đám cưới hiện đại, bạn có thể chọn bánh bông lan trứng muối, bánh tart hoặc bánh red velvet để phục vụ tại chỗ cho khách mời. Còn nếu bạn định tổ chức đám cưới truyền thống, dân dã, bạn có thể chọn các bánh truyền thống như bánh phu thê, bánh hồng và bánh pía. Thông tin cụ thể về từng loại bánh như sau:
Bánh bông lan trứng muối - 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng cho 50 phần bánh
Bánh bông lan trứng muối là loại bánh có cốt bông lan xốp mềm, ngọt nhẹ, được phủ thêm một lớp phô mai béo ngậy và điểm xuyết trứng muối, chà bông để tạo hương vị cân bằng giữa mặn - ngọt. Khi đặt bánh, cô dâu chú rể chỉ nên chọn bánh size nhỏ, đường kính khoảng 7 cm là vừa đủ vì bánh to dễ khiến khách bị ngán.
Bánh tart - 500,000 đến 2 triệu đồng cho 50 phần bánh
Bánh tart là một loại bánh có lớp vỏ pastry giòn rụm và nhân trứng, kem hoặc phô mai béo ngậy bên trong. Nếu đám cưới tổ chức mùa hè, khi đặt bánh, bạn có thể yêu cầu kết hợp bánh tart với trái cây tươi như dâu tây, việt quất để tăng thêm sự tươi mát cho bữa tiệc.
Bánh red velvet - 1,5 triệu đến 3 triệu cho 50 phần bánh
Bánh red velvet là loại bánh gồm nhiều cốt bánh màu đỏ (cũng có thể là nâu đỏ, đỏ thẫm hoặc đỏ tươi) xen lẫn các lớp kem cream cheese hoặc ermine trắng. Bánh red velvet đặc biệt phổ biến trong các đám cưới hiện đại hoặc Wedding Ceremony vì sở hữu màu sắc đặc trưng của đám cưới.
Bánh red velvet vừa có thể trang trí thành bánh kem to vừa có thể làm thành những miếng bánh nhỏ để phục vụ khách tại chỗ. Nếu phục vụ khách red velvet tại chỗ, cô dâu chú rể có thể chuẩn bị thêm trà đen hoặc trà Earl Grey đi kèm để làm nổi bật hương vị của bánh.
Bánh phu thê - 250,000 đến 500,000 đồng cho 50 phần bánh
Bánh phu thê (bánh xu xê hay bánh su sê) là loại bánh có lớp vỏ ngoài trong suốt, mềm dẻo, nhiều màu sắc (xanh, đỏ hoặc vàng) và nhân đậu xanh dừa ngọt dịu bên trong. Bánh phu thê là loại bánh phục vụ tại chỗ tiêu biểu trong các đám cưới, đám hỏi truyền thống ở miền Bắc.
Bánh hồng - 250,000 đến 1 triệu đồng cho 50 phần bánh
Bánh hồng là loại bánh có độ mềm dẻo và mùi thơm đặc trưng của gạo nếp và nhân dừa tươi, thường được sử dụng trong các đám cưới miền Trung. Bánh hồng có 2 loại, loại ổ lớn đường kính 15 - 20 cm và loại miếng nhỏ với kích thước khoảng 2 ngón tay được gói trong giấy kính. Trong đó, loại miếng nhỏ sẽ thích hợp để phục vụ khách mời hơn.
Bánh pía - 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng cho 50 phần bánh
Bánh pía có lớp vỏ bánh mềm dẻo, có mùi thơm đặc trưng của sầu riêng và mùi thơm mát của dừa, thường được phục vụ trong các đám cưới, đám hỏi miền Tây và miền Nam. Bánh pía có nhiều loại nhân khác nhau như đậu xanh, trứng muối, kim sa, bạn có thể chọn tùy theo khẩu vị của đa số khách mời.
Kinh nghiệm lựa chọn bánh cưới ưng ý
Nên chọn kiểu bánh cưới nào?
Khi ngân sách dành cho bánh cưới vừa phải (1 triệu - 4 triệu đồng), bạn chỉ nên đặt 1 bánh kem cưới hoặc một tháp bánh cưới ở trên sân khấu để thực hiện nghi thức cắt bánh cưới (sau đó có thể cắt thành từng phần mời khách mời).
Với bánh kem cưới, bạn nên chọn số tầng bánh dựa theo quy mô đám cưới. Nếu số lượng người tham dự đông, không gian đám cưới rộng lớn thì một chiếc bánh cưới 2 - 3 tầng sẽ phù hợp hơn. Ngược lại nếu bạn chỉ mời những người thân thiết tham dự bữa tiệc tại gia thì hoàn toàn có thể chọn một chiếc bánh cưới một tầng đơn giản, tiết kiệm.
Khi ngân sách đám cưới lớn hơn (2 triệu đến 8 triệu tùy thuộc vào số lượng khách), bạn có thể chọn cách đặt thêm những bánh cưới nhỏ tại chỗ của từng khách mời. Với đám cưới kiểu u, hiện đại, bạn nên sử dụng bánh bông lan trứng muối, bánh tart hoặc bánh red velvet. Còn bánh phu thê, bánh hồng, bánh pía sẽ là sự lựa chọn tối ưu đối với đám cưới truyền thống, dân dã hoặc nếu bạn muốn mời khách đặc sản vùng miền.
Khi đặt bánh cưới nhỏ, bạn cần ước lượng số người tham dự bữa tiệc cưới để đặt đủ bánh cho toàn bộ khách và nên tính dư thêm 10 - 15% lượng khách đó để đề phòng các sự cố phát sinh. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị thêm hộp đựng có nơ để khách không ăn ngay mang về.
Khi ngân sách đám cưới dư dả hơn nữa (khoảng 10 triệu - 12 triệu) bạn có thể kết hợp cả hai cách trên để đám cưới vừa đầy đủ nghi thức vừa tạo ấn tượng với toàn bộ khách tham dự.
Nên chọn màu bánh cưới màu gì?
Bánh cưới màu trắng sẽ là sự lựa chọn an toàn đối với mọi phong cách đám cưới. Nhưng nếu bạn muốn màu bánh nổi bật hơn, bạn có thể chọn màu bánh cưới đồng màu hoặc tương tự với màu chủ đạo của đám cưới.
Trong trường hợp đám cưới có màu trang trí chủ đạo là trắng, bạn có thể sử dụng những tông màu bánh cưới pastel nhẹ nhàng như be, hồng nhạt bên cạnh bánh cưới màu trắng để tạo điểm nhấn hơn.
Nên mua bánh cưới ở đâu?
Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ làm và bán bánh cưới đẹp, uy tín ở các thành phố lớn dưới đây:
3 địa chỉ đặt mua bánh kem cưới ở Hà Nội
♥Bánh ngọt Vinh Tẩm - 111 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
♥Anh Hòa Bakery - 9 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội
♥Givral Bakery - 35 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
3 địa chỉ đặt mua bánh kem cưới ở thành phố Hồ Chí Minh
♥Givral Bakery - 35 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
♥Tiệm bánh MaDi - 31 Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, quận 1, Hồ Chí Minh
♥Queen's Bakery & Cafe - 740 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
3 địa chỉ đặt mua tháp bánh cưới ở Hà Nội
♥Chewy Junior - 82C Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng, Hà Nội
♥Bánh ngọt Bùi Công Trung - 20 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
♥Tiệm bánh Poeme - CN3, KCN Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Hà Nội
3 địa chỉ đặt mua tháp bánh cưới ở thành phố Hồ Chí Minh
♥Khánh Nguyên Bakery - 40 Xuân Diệu, phường 4, quận Tân Bình, Hồ Chí Minh
♥The K House - 304 Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận, Hồ Chí Minh
♥Bánh Thiên thần - 57 Phan Đình Phùng, phường 17, quận Phú Nhuận, Hồ Chí Minh
3 địa chỉ đặt mua bánh cưới nhỏ kiểu Âu ở Hà Nội
♥La Chérie - 155 Nhật Chiêu, Tây Hồ, Hà Nội
♥Tiệm bánh IT - Số 64 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội
♥Tiệm bánh LinLin - 4 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
3 địa chỉ đặt mua bánh cưới nhỏ kiểu Âu ở thành phố Hồ Chí Minh
♥Tiệm bánh LinLin - 4 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
♥Tiệc Sài Gòn - 262 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, Hồ Chí Minh
♥Friendship Bakery - 17/15 Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
6 địa chỉ đặt mua bánh cưới truyền thống
♥Bánh cốm Hàng Than - 53 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội
♥Bánh cốm Nguyên Ninh - 11 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội
♥Bánh hồng Thanh Bình - 246 QL1A, Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định
♥Bánh hồng Thanh Liêm - 128 Chương Dương, Quy Nhơn, Bình Định
♥Bánh pía Quê Homemade - 84 Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, Hồ Chí Minh
♥Bánh pía Tân Huê Viên - 681, chợ Bình Tây, phường 2, quận 6, Hồ Chí Minh
Nên đặt bánh cưới trước bao lâu?
Cô dâu chú rể nên tìm đến cửa hàng bánh cưới ít nhất khoảng 1-2 tháng trước đám cưới để người thợ có thời gian tư vấn và thiết kế chiếc bánh phù hợp nhất. Ngoài ra, khi đặt bánh cưới, bạn phải cung cấp cho thợ làm bánh những chi tiết về thời gian, ngày giờ tổ chức đám cưới hoặc những chữ muốn viết lên bánh. Trước ngày cưới, phải kiểm tra lại một lần nữa các thông tin liên quan để tránh sai sót.
Nên bảo quản bánh cưới như thế nào?
Đối với bánh kem cưới, bạn nên bảo quản bánh ở trong tủ lạnh ngay sau khi nhận bánh để tránh bánh bị chảy do thời tiết nắng nóng hoặc nơi thoáng mát có ít người qua lại để tránh va quệt.
Còn với các loại bánh truyền thống, do thời gian bảo quản chỉ từ 2 - 5 ngày nên dù đặt bánh sớm, bạn cũng chỉ nên nhận bánh trước đám cưới một ngày để đảm bảo bánh tươi mới nhất cũng như không phải bảo quản trong tủ lạnh lâu làm ảnh hưởng chất lượng bánh.
Nghi thức cắt bánh cưới và rót rượu sâm panh
Nghi thức cắt bánh cưới và rót rượu sâm panh diễn ra ngay sau khi cô dâu chú rể trao nhẫn cưới, là nghi thức thể hiện mong muốn cặp đôi luôn đong đầy hạnh phúc, sẵn sàng đồng cam cộng khổ và chia sẻ với nhau mọi đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống. Nghi thức cắt bánh cưới và rót rượu sâm panh bao gồm 4 bước như sau:
Bước 1: Cô dâu và chú rể sẽ cùng ước nguyện cho tình yêu cả hai người khi chiếc bánh cưới được mang ra, sau đó thổi nến và cùng cầm dao cắt dọc chiếc bánh.
Bước 2: Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau bật nút chai rượu sâm panh, rồi cùng nhau đổ đầy tháp cốc đã dựng sẵn, từ ly cao nhất tràn xuống ly thấp nhất. Tháp rượu thường được đổ đầy với khoảng 2 chai sâm panh.
Bước 3: Cô dâu chú rể sẽ mời rượu ba mẹ hai bên như một lời cảm ơn gửi đến đấng sinh thành, cũng như một lời hứa từ hôm nay sẽ thay ba mẹ hai bên chăm sóc cho người kia.
Bước 4: Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau uống ly rượu giao bôi dưới sự chứng kiến của bố mẹ hai bên và toàn bộ khách mời.