Lễ lại mặt là gì? Ý nghĩa của lễ lại mặt
Lễ lại mặt (lễ nhị hỷ hoặc lễ tứ hỷ) là
nghi thức cuối cùng trong phong tục cưới hỏi, sau khi
lễ thành hôn kết thúc, cô dâu chú rể sẽ chọn một ngày để về thăm gia đình nhà gái.
Ở thời xưa, lễ lại mặt có hàm ý thể hiện sự hài lòng của nhà trai đối với nàng dâu mới. Nếu nhà trai mang đến một cái thủ lợn bị cắt lỗ tai trong ngày lại mặt, họ đang ngầm ám chỉ rằng cô dâu đã không còn trong trắng và muốn trả lại nàng dâu. Khi đó, nhà gái sẽ phải xin lỗi và đón con gái về hoặc âm thầm đền bù nhà trai bằng sính lễ.
Ngày nay, lễ lại mặt là dịp để cô dâu gặp lại gia đình mình sau khi đã về nhà chồng, vừa giúp nàng dâu vơi bớt nỗi nhớ nhà vừa để cha mẹ cô dâu hỏi han, an ủi và khuyên nhủ con gái về trách nhiệm ở nhà chồng. Ngoài ra, đây còn là thời gian để chàng rể gần gũi, thân thiết hơn với gia đình nhà vợ.
Lễ lại mặt diễn ra khi nào?
Lễ lại mặt thông thường diễn ra từ 1 - 4 ngày sau khi đám cưới kết thúc, gia đình nên lưu ý phong tục của từng địa phương để lựa chọn ngày diễn ra lễ lại mặt cho phù hợp. Trường hợp gia đình nhà trai quá xa so với nhà gái hoặc cặp đôi quá bận rộn với công việc, các bạn có thể châm trước bỏ qua lễ lại mặt và thực hiện vào dịp Tết cùng năm đó.
Lễ lại mặt gồm những ai?
Lễ lại mặt là dịp để cặp tân lang tân nương về thăm hỏi bố mẹ vợ, do đó những người tham gia nghi lễ này chỉ bao gồm cô dâu chú rể, bố mẹ cô dâu và anh chị em cùng nhà (nếu có).
Bên cạnh đó, do lại mặt không phải là một lễ trọng nên gia đình cũng không cần mời làng xóm, họ hàng như lễ cưới. Nếu có bà con ở gần nhà, cặp đôi sẽ chỉ cần thu xếp qua thăm hỏi cho phải đạo con cháu là đủ.
Lễ lại mặt khác gì so với lễ phản bái?
Có nhiều người thường nhầm lẫn lễ lại mặt của miền Bắc với nghi thức phản bái của miền Tây Nam Bộ do sự tương đồng về việc cô dâu chú rể về thăm hỏi nhà gái. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là hai nghi lễ với người tham gia và mục đích hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, người tham gia lễ phản bái nhiều hơn lễ lại mặt, bao gồm cả bố mẹ của chú rể thay vì chỉ có cặp cưới về thăm hỏi nhà vợ. Về mục đích, trong khi lễ lại mặt chỉ mang ý nghĩa cảm ơn gia đình nhà gái, lễ phản bái còn là dịp hai gia đình gắn kết tình thông gia cũng như bàn bạc tương lai của cặp đôi trẻ như chia ruộng đất hay ra ở riêng.
Cần chuẩn bị gì cho lễ lại mặt
Do là một nghi lễ không quá quan trọng, lễ lại mặt chỉ yêu cầu đôi vợ chồng mới cưới và gia đình chuẩn bị một vài đầu việc cơ bản như lễ vật lại mặt, trang phục gọn gàng và mâm cơm thiết đãi là đủ. Cùng Nắmtay tìm hiểu lễ lại mặt cần chuẩn bị những gì dưới đây nhé.
Chuẩn bị lễ vật lại mặt
Lễ vật lại mặt là những món đồ mà gia đình nhà trai chuẩn bị cho cô dâu chú rể mang về nhà gái để thắp hương tổ tiên. Theo truyền thống, lễ vật lại mặt thường bao gồm trầu cau, trà rượu, xôi, gà và heo quay.
Tuy nhiên, hiện nay lễ vật lại mặt đã được nhiều gia đình đã giản lược bớt, chỉ cần những món quà nhỏ mang giá trị tinh thần như giỏ trái cây, bánh kẹo, chai rượu và phong bì nhỏ nếu gia đình có điều kiện về tài chính.
Chuẩn bị trang phục
Vì đây không phải một nghi lễ lớn, cũng như chỉ bao gồm những người thân trong gia đình nên cô dâu và chú rể không cần chọn trang phục quá cầu kỳ. Thay vào đó, cặp đôi nên chọn những bộ trang phục thường ngày nhưng phải sạch sẽ, thanh lịch.
Bên cạnh đó, đôi vợ chồng mới cưới cũng nên chọn những bộ trang phục có thể thoải mái vận động, để khi về nhà bố mẹ có thể dễ dàng vào giúp mọi người chuẩn bị mâm cơm. Đặc biệt là chàng rể, nên xông xáo giúp đỡ mọi người để thêm thân thiết với gia đình nhà vợ.
Trải nghiệm thiệp cưới online ngay!
Những điều nên tránh trong lễ lại mặt
Dù chỉ là một nghi thức nhỏ nhưng đôi vợ chồng mới cưới vẫn nên lưu ý những điều nên tránh để có một ngày thăm hỏi bố mẹ thật đầm ấm và hạnh phúc nhé. Sau đây Nắmtay xin chia sẻ ba điều tối kỵ mà hai vợ chồng nên tránh trong lễ lại mặt.
Không về một mình
Trong Lễ lại mặt, bắt buộc phải có cả vợ và chồng về và thăm hỏi bố mẹ vợ. Nếu chỉ có vợ hoặc chồng về, người lớn trong nhà sẽ cảm thấy không được tôn trọng đồng thời cũng sẽ nghĩ rằng vợ chồng đang có cãi vã. Vậy nên, nếu hai vợ chồng bận đột xuất thì hãy xin lỗi gia đình và lùi lịch lại mặt khi cả hai đều có thể tham dự nhé.
Không về khi chiều muộn
Một lời khuyên nữa dành cho đôi vợ chồng mới cưới chính là hai người nên về từ sáng sớm để có nhiều thời gian cùng bố mẹ. Hơn nữa, hai vợ chồng có thể cùng phụ giúp mọi người làm cơm và thăm bà con xung quanh. Tuyệt đối không nên về chiều muộn khi mâm cơm đã làm xong do khi đó, các thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy xa lạ như đang đón khách chứ không phải đón các con về.
Không về tay không
Dù quà ít hay nhiều thì cô dâu chú rể cũng vẫn nên mang chút quà về biếu bố mẹ do mọi người trong nhà sẽ chỉ cần tấm lòng của bạn, chứ không quan tâm giá trị món quà. Vậy nên hãy nhớ chuẩn bị chút quà nhỏ để không khí trong nhà càng trở nên hoà thuận và vui vẻ nhé.
Hy vọng rằng sau bài viết của NắmTay, các đôi vợ chồng mới cưới sẽ có thể hiểu hơn về ý nghĩa Lễ lại mặt và giúp các bạn chuẩn bị chu đáo hơn để về nhà bố mẹ. Nếu các bạn quan tâm đến những nghi lễ trong lễ cưới, hãy bấm đọc những bài viết khác của NắmTay
tại đây nhé.